Xuất hiện tình trạng cá nhân mua hàng tại siêu thị, TTTM mang ra bán kiếm lời tại TP. HCM

Trong những ngày qua, xuất hiện một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm tại siêu thị, TTTM… sau đó mang bán với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn TP. HCM.​

Cục QLTT TP.HCM đã có công văn gửi tới đội trưởng các đội QLTT trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.

xuat-hien-tinh-trang-ca-nhan-mua-hang-tai-sieu-thi-tttm-mang-ra-ban-kiem-loi-tai-tp-hcm

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị, TTTM.

Theo đó, trong những ngày có phát sinh tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.

Để ngăn chặn tình hình nêu trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM yêu cầu Đội trưởng các Đội QLTT triển khai thực hiện ngay nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Chủ động và phối hợp lực lượng chức năng làm việc ngay Ban Quản lý các TTTM, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động, về tình hình nêu trên để phối hợp ngăn chặn và xử lý; thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT TP.HCM tại các siêu thị, TTTM, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định.

Phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch nêu trên.

Cơ quan Thường trực BCĐ 389 thành phố phân công trực xử lý thông tin đường dây nóng 24/24 giờ; sau khi tiếp nhận thông tin chuyển ngay đến Đội trưởng Đội QLTT nơi có phát sinh vụ việc để kịp thời xử lý.

Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM yêu cầu các Đội trưởng Đội QLTT triển khai thực hiện ngay và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện để chỉ đạo và tổng hợp báo cáo Tổng cục QLTT và UBND thành phố. Các Đội QLTT ra quân phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền các đối tượng kinh doanh chấp hành các quy định về chống đầu cơ, tăng giá quá mức đối với thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.

Theo GiaDinh

------

Xem thêm:

Siêu thị yêu cầu mỗi khách không mua quá 3 vỉ trứng

Một số siêu thị hiện giới hạn số lượng hàng hóa bán ra nhằm hạn chế tình trạng một số người lợi dụng dịch bệnh để kiếm lợi.

Theo đại diện Saigon Co.op, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, một số cá nhân đã đến các siêu thị của hệ thống này gom hàng đem ra ngoài bán để kiếm lợi. Điều này khiến một số mặt hàng bị đứt cục bộ, không bổ sung hàng kịp dẫn đến người có nhu cầu thật sự không mua được hàng.

"Điển hình là mặt hàng trứng gà, hiện nay xuất hiện nhiều cá nhân vào siêu thị gom hàng ra ngoài bán giá gấp đôi, gấp ba khiến các siêu thị phải dán bảng hạn chế để giúp càng nhiều người mua được càng tốt", đại diện Saigon Co.op cho biết.

Tương tự, MM Mega Market hiện cũng giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 3 vỉ trứng. Đại diện chuỗi đại siêu thị này khẳng định và cam kết không thiếu nguồn hàng dự trữ đối với mặt hàng thực phẩm, nhất là trứng.

"Nếu khách hàng mua với số lượng lớn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, càng gây hoang mang cho mọi người khi đến mua sắm tại siêu thị. Hơn nữa việc giới hạn số lượng còn để tránh việc đầu cơ, tích trữ của một số người dân cũng như đảm bảo cơ hội cho nhiều khách hàng được mua sản phẩm", đại diện MM Mega Market chia sẻ.

sieu-thi-yeu-cau-moi-khach-khong-mua-qua-3-vi-trung

Khu vực bán trứng gà, vịt của một siêu thị trống trơn. Ảnh: Phương Lâm.

Trong bối cảnh sức mua tăng cao, giá cả tại các chợ truyền thống biến động lớn, các siêu thị cho biết hàng hóa vẫn được giữ mức giá ổn định bất kể những chi phí phát sinh về vận chuyển, xét nghiệm hay khó khăn về nhân sự.

Vừa qua, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM đề xuất điều chỉnh tăng 1.500-2.630 đồng/chục trứng gà loại 1 và 2.000-2.420 đồng/chục trứng vịt loại 1. Lý do là giá đầu vào đã tăng từ 19-21% so với thời điểm đầu chương trình bình ổn ngày 1/4, đồng thời chi phí vận chuyển cũng tăng cao do ảnh hưởng của dịch.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, giá bán lẻ các mặt hàng trứng gia cầm đã đủ điều kiện điều chỉnh giá. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nếu điều chỉnh giá bán thì sẽ tác động vào tình hình giá thị trường nói chung và tâm lý người tiêu dùng. Do đó, Sở sẽ xem xét đề xuất này vào thời gian phù hợp.

Tại siêu thị, giá trứng gà hiện khoảng 26.000-27.300 đồng/chục, giá trứng vịt dao động từ 31.000-39.000 đồng/chục. Trong khi đó, giá trứng tại các chợ truyền thống đã tăng từ mức 30.000-35.000 đồng/chục trước đây lên khoảng 40.000-50.000 đồng/chục.

Theo Zing

----

Xem thêm:

Thực hư siêu thị bán bắp cải 250.000 đồng/kg trong mùa dịch 

Nhiều người tiêu dùng thật sự sốc khi thấy siêu thị ở TP HCM bán bắp cải giá 250.000 đồng/kg; một số loại bí, bông cải cũng có giá cao gấp 10 lần bình thường

Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền một hình ảnh, thông tin về các siêu thị ở TP HCM bán rau, củ với giá "cắt cổ" như: bí đỏ 105.294 đồng/kg, bông cải xanh 250.000 đồng/kg, súp lơ 250.000 đồng/kg... khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc trong lúc TP HCM chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Một trong những bức ảnh được chia sẻ nhiều là bắp cải trọng lượng 818gram chụp tại tại Emart Gò Vấp có giá bán 204.500 đồng (250.000 đồng/kg).

Ngày 9-7, Emart Vietnam lên tiếng xác nhận bắp cải nói trên đang được kinh doanh tại siêu thị, tuy nhiên, đó là "bắp cải xoăn Úc", sản phẩm được xem là "nữ hoàng rau xanh" được đối tác của Emart nhập khẩu từ Úc.

"Các sản phẩm tươi sống được nhập khẩu thường có giá bán khác với các sản phẩm được gieo trồng tại Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau" - Emart Vietnam giải thích.

thuc-hu-sieu-thi-ban-bap-cai-250-000-dong-kg-trong-mua-dich

Bắp cải Việt Nam và bắp cải Úc nhập khẩu có giá khác biệt tại Emart Gò Vấp

Emart Vietnam cũng thông tin giá bắp cải Đà Lạt (Lâm Đồng) bán tại siêu thị này đang có giá chỉ 18.500 đồng/kg, mức giá hoàn toàn bình ổn và được khuyến mãi nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong khó khăn trước tình hình dịch bệnh như hiện tại.

Ngoài Emart, một số siêu thị khác như AEON, Vinmart cũng bị người tiêu dùng chụp ảnh nông sản có giá cao ngất ngưởng. Dựa vào nhãn in trên bao bì, phóng viên đã tìm hiểu và được biết sản phẩm mang thương hiệu ANT FARM - một nhà cung cấp trái cây tươi, rau củ sạch nhập khẩu và trái cây nội địa cao cấp.

thuc-hu-sieu-thi-ban-bap-cai-250-000-dong-kg-trong-mua-dich
 
 
thuc-hu-sieu-thi-ban-bap-cai-250-000-dong-kg-trong-mua-dich

Bông cải, bắp cải nhập khẩu có giá cao ngất ngưởng

Trước đây, khi thị trường đang "giải cứu" khoai lang tím thì khoai lang tím giống Úc do ANT FARM độc quyền canh tác và phân phối cũng có giá từ 100.000 – 149.000 đồng/kg.

Thực tế trên thị trường nông sản, có nhiều loại rau củ, trái cây độc, lạ hoặc hàng nhập khẩu thuộc phân khúc cao cấp nên giá rất cao nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận do chất lượng nổi trội và sự khan hiếm, không có nhiều trên thị trường.

Một số mặt hàng quen thuộc như gạo Nhật nhập khẩu có giá 125.000 đồng/kg trong khi gạo giống Nhật trồng tại Việt Nam giá chỉ 20.000 đồng/kg; hay như cà chua bi giống Nhật có giá bán lẻ lên đến 500.000 đồng/kg do những đặc tính đặc biệt nhưng cà chua bi trồng tại Việt Nam giá chỉ khoảng 100.000 đồng/kg.

Theo NLD