Xúc xích gà giá 99.000 đồng/1kg, liệu có an toàn?

Trên trang mạng xã hội facebook rầm rộ bán loại xúc xích gà được quảng cáo là 100% tươi ngon, đảm bảo chất lượng, không hàn the và chất bảo quản.

Xúc xích được biết đến là món ăn vặt quen thuộc với đủ mọi lứa tuổi. Món ăn này được chế biến từ thịt xay nhuyễn và các loại phụ gia, nhồi trong lòng. Tuy nhiên, trên thị trường, ngoài các sản phẩm chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vẫn tồn tại nhiều sản phẩm trôi nổi.

Với giá dao động chỉ từ 85.000 – 99.000 đồng/1kg loại xúc xích gà được quảng cáo là có nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất "tự làm" cùng với “thành phần 100% ức gà, mỡ gà, lá chanh, nấm hương, gia vị vừa đủ, hương vị thơm ngon khác biệt với xúc xích đại trà….”... đang làm mưa làm gió trên MXH thời gian qua.

Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy những gói xúc xích gà này không hề có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ cũng như thành phần, bên cạnh đó chất lượng cũng không hề được đảm bảo và kiểm chứng.

xuc-xich-ga-gia-99-000-dong1kg-lieu-co-an-toan

xuc-xich-ga-gia-99-000-dong1kg-lieu-co-an-toan

 Xúc xích gà với giá chỉ 99.000 đồng/1kg, tuy nhiên chất lượng không ai có thể kiểm chứng?!.

Trao đổi trên Báo Đất Việt, chị Nguyễn Thị Hương (38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nếu xúc xích gà bán với giá trên thì cần phải xem lại nguyên liệu. 
 
"Xúc xích gà toàn làm bằng gà công nghiệp chứ lấy đâu ra gà ta. Hơn nữa với giá chỉ khoảng 100.000 đồng/kg xúc xích gà thì tôi nghĩ gà công nghiệp cũng không rẻ thế. Chỉ tính riêng lòng non khi mua ngoài chợ cũng đã có giá 100.000 đồng/kg rồi"
 
Theo phân tích của chị Hương, xúc xích nào cũng vậy, ngoài nguyên liệu chính cũng phải đúc bằng lòng non của lợn thì mới nhồi được, chiếc xúc xích mới tròn, ra đúng hình dáng.
 
Lòng non khi mua về còn phải ken sạch, bóc hết chỉ lấy màng bên ngoài mỏng dính thôi, rồi họ sẽ nhồi nhân xúc xích vào đoạn lòng non đó, xong buộc chia đoạn cho lên hấp. Hấp cũng phải biết cách nếu không xúc xích sẽ bị nứt ra.

Theo chị Hương, chị hay bán xúc xích lợn nhưng chỉ khi nào chị mua được thịt lợn sạch của người quen chị mới làm vì bán ở khu chung cư cho toàn người thân quen nên không thể làm thịt kém chất lượng.

 "Tôi đi làm công ty nhưng cuối tuần nào rảnh mới có thời gian làm thêm xúc xích để bán, lấy công làm lãi thôi chứ cũng không được là bao.

Riêng xúc xích lợn tôi bán đã 200.000 đồng/kg rồi, trong khi xúc xích gà chỉ có giá bằng nửa tiền thì không thể tin được chất lượng. Tôi là người làm xúc xích từ lâu, kinh nghiệm của tôi là phải mua của người quen mới dám ăn, còn mua bên ngoài chợ hay hàng rao bán rẻ trên facebook là tôi không thể tin tưởng được.

Làm gì cũng phải có công, chả ai lấy công sức, thời gian của mình ra làm để bán không đủ tiền công, tiền nguyên liệu", chị Hương nói thêm.

Bởi vậy, chị Hương khuyên người dùng hãy thật tỉnh táo trong vấn đề sử dụng thực phẩm, đặc biệt là xúc xích. Nếu như bạn không yên tâm thì hãy tự tay làm món xúc xích thơm ngon tại nhà là đảm bảo an toàn nhất.

Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Thống Nhất cho rằng, hầu hết những người bán hàng kiểu này chủ yếu đánh vào tâm lý thích mua hàng tiện lợi của các chị em.

 Bên cạnh đó, các sản phẩm tự làm lại được quảng cáo bằng những ngôn từ gần gũi, quen thuộc như ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh nên người kinh doanh thực phẩm tự làm dễ dàng gây thiện cảm và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt chẽ, người dùng có lúc sẽ mua phải những mặt hàng kém chất lượng, thậm chí bị ôi thiu vì không biết ngày sản xuất, ngày hết hạn.

Cùng với đó, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa HN) chia sẻ:

“Mọi sản phẩm được bày bán có yếu tố thương mại đều phải được kiểm soát, đầy đủ thông tin nhãn mác, địa chỉ cũng như nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có đăng ký chất lượng mới là hợp pháp. Trên thực tế nhiều sản phẩm có thương hiệu đầy đủ thậm chí còn chẳng an toàn.

Do vậy, sản phẩm sản xuất thủ công tùy tiện sẽ mang đến nguy cơ mất an toàn vô cùng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Do vậy, cần hết sức cẩn trọng, chọn loại xúc xích có đầy đủ thông tin, nhãn mác, không nên mua xúc xích quảng cáo “nhà làm” trên chợ mạng.

Nhằm xử lý, phòng ngừa hiệu quả hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Nghị định 115/2018, phạt tiền từ một lần đến hai lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định.

Đáng chú ý, nghị định quy định phạt nặng đối với trường hợp sử dụng nguyên liệu không an toàn. Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng. Sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng.

Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm sẽ bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định 115/2018, người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm... cũng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Theo VietQ