‘Cơn sốt’ đất nền tại TP.HCM quay lại, giá tăng mạnh



Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay một số khu vực đất nền tại thành phố đang có dấu hiệu “sốt” giá trở lại. Nguyên nhân đến từ thông tin quy hoạch dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật...

‘Cơn sốt’ đất nền tại TP.HCM quay lại, giá tăng mạnh

Theo đó, ông Châu nói rằng, giới đầu tư, đầu cơ tiến hành ôm đất "thổi giá" dù chưa biết dự án đó thực hiện tới đâu, có thực hiện hay không. Việc này khiến người mua chịu thiệt, quy hoạch các quận huyện bị phá nát.

"Hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè...", ông Châu nói.

 

Trong khi đó, Phòng Quản lý thị trường bất động sản (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cũng cho biết, từ tháng 8.2017 tới nay, giao dịch bất động sản tại thành phố ghi nhận sự dịch chuyển khi lượng căn hộ chung cư giao dịch chậm còn đất nền bắt đầu sôi động trở lại.

Hồi tháng 12.2016, thị trường bất động sản tại TP.HCM cũng đã có dấu hiệu chuyển hóa, trong đó phân khúc chung cư có dấu hiệu chững lại, phân khúc đất nền tạo nên cơn sốt. Bắt nguồn của việc “nóng sốt” này đến từ thông tin TP.HCM sẽ xây dựng cây cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) qua huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Cây cầu sẽ không chỉ tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa hai địa phương có tiềm lực kinh tế lớn. Cùng với cao tốc Long Thành - Dầu Giây hiện hữu, cầu Cát Lái sẽ giúp vực dậy bất động sản khu đông sau thời gian im lìm.

Đáng chú ý, ngay sau khi thông tin được đưa ra, thị trường bất động sản nơi đây bùng sốt. Trong thời gian sốt ảo này, tại khu vực phía đông TP.HCM, giá đất nền đã tăng từ 2 - 5 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí và diện tích đất. Trong đó, khu vực quận 2 có giá đất liên tục tăng nóng. Thậm chí, ở những khu vực xa xôi như Lò Lu, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh (quận 9), giá đất cũng tăng lên mỗi ngày. Nhiều người mua bán sang tay chỉ sau một đêm giá đất đã tăng từ 1-2 triệu đồng/m2.

Sau đó, tới tháng 3.2017 cơn sốt đất này lan sang nhiều khu vực vùng ven như quận 12, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Tới tháng 5.2017, giá đất nền tiếp tục tăng và lan rộng tới đảo Cần Giờ khi có thông tin TP.HCM dự kiến xây dựng cầu Cần Giờ nối trung tâm TP.HCM về huyện này.

Không những vậy, cơn sốt đất nền cũng lan tới huyện Củ Chi, Hóc Môn với thông tin sẽ có tập đoàn đầu tư khu đô thị lớn tại huyện này và xây dựng hàng loạt dự án giao thông kết nối.

Sau nửa năm bùng phát, đến tháng 6.2017, cơn sốt đất nền ở TP.HCM tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được hạ nhiệt kịp thời nhờ có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND TP.HCM và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng và các quận huyện.

Đồng thời, những biện pháp này của TP.HCM cũng tăng cường sự minh bạch thông tin về quy hoạch, về chính sách tách thửa đất ở của thành phố rất được người dân đồng tình, hoan nghênh.

Bằng chứng là sau 3 tháng kể từ khi cơn sốt đất thoái trào, thị trường đất nền phân lô bán lẻ tại khu đông vẫn khá ảm đạm. Những tuyến đường từng được cho là tâm điểm cơn sốt như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh vẫn còn nhiều biển bán đất nền nhưng vắng bóng người mua.

Chia sẻ điều này ông Lê Hoàng Châu nói rằng dù chưa biết dự án đó có thực hay không và bao giờ phát triển, nhưng giới đầu cơ đất vẫn tiến hành chiêu ôm đất "thổi giá" tạo sốt ảo. Sau khi mục đích tạo giá đất ảo đạt được, giới đầu cơ này tiến hành bán cho những người chạy theo, kết quả những người mua sau thiệt hại. Tuy nhiên, ông Châu cũng lo ngại, nhiều khả năng, thời điểm cuối năm 2017, đất nền khu đông sẽ có đợt sốt mới.

Theo Motthegioi