Bài học làm người cho con từ việc dạy bé dùng đồ chơi



Nhiều cha mẹ băn khoăn: "Bé còn nhỏ, liệu có nên giúp bé biết quý trọng những món đồ chơi của bé và tập bé biết tự dọn dẹp khi chơi xong. Và xử lý như thế nào mỗi lần bé đòi mua đồ chơi khi đi qua khu vực đồ chơi ?"

Ngày nay, đời sống xã hội nâng cao, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 bé nên hầu như bé nào cũng được cha mẹ mua cho rất nhiều đồ chơi đa dạng về mẫu mã, tính hiện đại và màu sắc.


Ngày nay gia đình nào cũng ít con nên việc các bé được ba mẹ mua nhiều đồ chơi là bình thường

Do có rất nhiều đồ chơi nên các bé đôi lúc không biết quý trọng những món đồ chơi bé đang có. Thậm chí, các bé thường chơi rất thô bạo, phá các món đồ chơi, đập bể, bẻ gãy các món đồ chơi. 

Cha mẹ là gương mẫu trong hành vi cơ bản về quý trọng đồ vật

Gs. Bs. Myers, ĐH California, Mỹ chỉ rõ: từ 6 tháng tuổi, các bé đã bắt đầu có những nhận thức sớm về hành vi đối xử với các vật dụng xung quanh. Nhưng tất cả đều là nhìn và lập lại cách mà cha mẹ và người chăm sóc bé đối xử.

Gs.Bs. Penny, Trung Tâm Phát triển hành vi trẻ nhỏ Westbrook, Anh Quốc chỉ ra 2 cách cha mẹ xử lý tình huống sai về hành vi:

Tình huống 1: Khi dọn dẹp đồ chơi của bé, cha mẹ thường dùng chân đá hoặc di chuyển đồ vật.

Không ít lần, cha mẹ thường cảm thấy quá mệt mỏi khi dọn những món đồ chơi bé vừa chơi xong, và vô tình dùng chân thay tay để di chuyển đồ vật hoặc đẩy 1 món đồ chơi của bé sang 1 bên để dọn dẹp.

Sai ở đâu? Gs. Penny phân tích: hành vi tưởng chừng vô hại này lại ảnh hưởng nhiều đến hành vi đối xử với đồ vật của bé. Việc nhìn thấy hành động này của cha mẹ, các bé sẽ hiểu việc đá, đập, bẻ, quăng ném là bình thường.

Hành vi đúng cha mẹ nên làm: Hãy cúi xuống nhặt những món đồ chơi đó cho vào giỏ bằng tay. 

Các bé lớn hơn 1 tuổi, bạn có thể nhờ bé giúp bạn 1 tay nhặt đồ chơi vào giỏ. Gs. Penny khuyên: bạn có thể cho bé một cái giỏ nho nhỏ và khích lệ bé giúp bạn bỏ đồ chơi vào giỏ. Khi nói nên định nghĩa rõ ràng món đồ chơi đó.


Cha mẹ nên thường xuyên khuyến khích bé dọn đồ chơi vào giỏ

Ví dụ: Liệu con có thể giúp mẹ lấy những chiếc xe hơi bỏ vào giỏ của con được không?

Tình huống 2: Bé hay đòi đồ chơi, cha mẹ thường cố ý không cho bé đi qua những gian hàng đồ chơi trong siêu thị.

Cách xử lý thông thường của cha mẹ khi bé đòi đồ chơi là lẫn tránh các gian hàng đồ chơi trong siêu thị hoặc quát tháo bé "Con có nhiều đồ chơi lắm rồi, không mua gì nữa hết".

Sai ở chỗ nào? GS. Penny phân tích: Cha mẹ đã vô tình bỏ qua cơ hội cho bé học về giá trị của việc mua món đồ. Quát tháo không giải quyết được vấn đề, mà làm bé nghĩ rằng: do nhiều món đồ chơi quá mà mẹ không mua, các bé sẽ không biết quý trọng những món đồ bé đang có.

Hành vi đúng cha mẹ nên làm: 

- Cứ tự nhiên đi qua các gian hàng này.

- Bé có thể đòi nhiều món (3-4 món), nhưng hãy chọn 2 trong số đó và hỏi bé: "Mẹ chỉ mua cho con 1 món, cái nào con muốn mua, và mua về con phải chơi với món đồ này".

Lúc nói bạn nên cầm cả 2 món đồ trong tay và để bé vài giây đến 1 phút để quyết định. Nếu bé không quyết định và nhất quyết đòi cả hai thì bạn cất món đồ chơi vào chỗ cũ và nói với bé: "Đây là cơ hội cuối cùng, nếu con không chọn, mẹ sẽ cất lại ". Nếu bé tiếp tục không chọn, bạn nên cất lại và dẫn bé ra về.

Bé có thể sẽ khóc và quấy nhiều, nhưng điều này làm bé hiểu được giá trị của việc mua món đồ chơi và bé sẽ có trách nhiệm chọn món đồ mà bé thích. Nếu bé chọn 1 món, thì bạn mua món đó cho bé và nói với bé rằng: "Con thích đồ chơi này và mẹ cũng thích nó, con nhớ chơi và giữ gìn cẩn thận món đồ chơi này nhé". Bạn nên quy định thời gian khi mua món đồ cho bé. 


Bạn nên cho bé tự do chọn đồ chơi khi đã hứa

Ví dụ: Mẹ sẽ mua bộ đồ chơi này cho con vào ngày sinh nhật, giáng sinh, cuối tuần ... 

Và khi đã hứa với bé thì cha mẹ nên nhớ phải luôn giữ lời hứa. Dẫn bé ra gian hàng và cho bé chọn như trên.

Bài viết này này đã giúp các bậc phụ huynh giáo dục các bé trong việc quý trọng đồ chơi để các bé có đức tính tốt khi hòa nhập vào môi trường xã hội.

Theo nguồn: Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Worcester, Worcestershire)

Xuân Anh Lê ghi (BVPL)