Bão số 4 phức tạp, nhiều tỉnh thành lo việc sơ tán dân

Sau nhiều cơn bão lũ, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc “đã quen” với việc gói ghém đồ đạc rời nhà mỗi khi mưa to gió lớn. Có lúc lũ quét xảy ra bất chợt, người dân chỉ kịp tháo chạy, còn đồ đạc để trôi theo dòng nước dữ. Họ mong ngóng được hỗ trợ di chuyển nhà đến nơi an toàn, khai hoang, cải tạo đất sản xuất…

Bão số 4 phức tạp, nhiều tỉnh thành lo việc sơ tán dân

Bản đồ hướng đi của bão số 4. Ảnh: TTXVN

Không để lặp lại tình trạng nhiều tàu thuyền bị chìm

Ngày 13/8, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ra chỉ thị yêu cầu các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, các bộ ngành cần có phương án ứng phó với bão số 4.

Theo nhận định, bão số 4 có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng. Đây là tình thế nguy hiểm, nhất là với khu vực có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, nhiều hồ chứa nhỏ đầy nước, các sự cố đê điều thời gian qua. Theo đó, các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Các địa phương theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, các hoạt động kinh tế trên biển, đảo, ven biển (nuôi trồng thủy sản, vận tải biển), đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt khách du lịch trên biển và các đảo.

Theo ghi nhận của PV, một số địa phương đã ban hành Công điện chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung ứng phó với bão, liên tục phát tin dự báo, cảnh báo về bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, tránh việc có nhiều tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu khi bão đổ bộ như tại Quảng Bình cũng như thiệt hại do tâm lý chủ quan của nhiều chủ tàu ở Nghệ An tại cơn bão số 2 và 3 trước đó.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét

Đối với đất liền, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chủ động tiêu nước đệm, chống ngập úng tại đô thị và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là Hà nội. Rà soát công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đáng lưu ý, triển khai đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, và các công trình đang thi công dở dang, khu vực đang xảy ra sự cố đê điều, hồ đập. Kiểm tra, hướng dẫn, rà soát phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu, hầm lò… đến nơi an toàn.

Trước nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng... đang nỗ lực di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm. Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn tới hơn 1.300 hộ dân cần được hỗ trợ khắc phục ổn định và di chuyển ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm. Trong đó, đáng chú ý, ngay tại TP Lào Cai, số hộ dân nằm trong diện này cũng lên tới con số 245, cao thứ hai địa bàn, chỉ sau huyện Bát Xát. Dự kiến, nguồn vốn để thực hiện việc hỗ trợ di dời lên tới 14 tỷ đồng.

Còn tại huyện Mường Tè (Lai Châu), có khoảng 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đang phải sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở cao. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các xã triển khai nhiều biện pháp giúp người dân ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, việc di dời phải tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ di chuyển nhà, khai hoang, cải tạo đất, sản xuất và các vấn đề khác… đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do khó khăn về ngân sách, huyện thực hiện sắp xếp ổn định dân cư theo thứ tự ưu tiên vùng có nguy cơ sạt lở cao sẽ di chuyển trước, các hộ khác thực hiện sau.

Song song với việc tìm được địa điểm để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các tỉnh phía Bắc cũng khẩn trương bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập sâu do lũ; sẵn sàng phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu. Các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn được bố trí sẵn sàng để xử lý các tình huống có thể xảy ra...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 đang nằm trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10h ngày 15/8, vị trí tâm bão ngay trên trên vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Theo GiaDinh