Bệnh nhân suy thận nếu ăn khế có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong

Ngày 1/5, BV Đại học Y Dược Shing Mark (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp nhận một bệnh nhân 70 tuổi (Đồng Nai) bị ngộ độc chất caramboxin do ăn 4 quả khế

Theo báo Thanh niên thông tin, chiều 28/4, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark tiếp nhận bệnh nhân N.T.Q (70 tuổi, ngụ xã Suối Trầu, H.Long Thành, Đồng Nai) trong tình trạng co giật, người tím tái và hôn mê sâu.

Người nhà bệnh nhân cho hay, sau khi ông Q. ngủ trưa dậy có ăn 4 quả khế, khoảng 30 phút sau thì có triệu chứng buồn nôn, vật vã co giật nên đưa đi cấp cứu. Người nhà cũng cho biết, ông Q. đang bị suy thận phải chạy thận định kỳ.

Bệnh nhân suy thận nếu ăn khế có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong

Bệnh nhân suy thận nếu ăn khế sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa 

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê vì bị ngộ độc caramboxin do ăn khế. Đến nay, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu hồi tỉnh, ngày 1/5 BV Đại học Y Dược Shing Mark (P.Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã làm thủ tục cho ông Q được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.

Trước đó, chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cho biết, đúng là có rắc rối giữa việc ăn khế và những người bị thận.

Người bình thường ăn khế thì không sao, nhưng những người bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo có thể bị ngộ độc sau khi ăn khế, với các triệu chứng nấc cụt, nôn mửa, co giật, động kinh, tâm thần hoảng loạn…Một số trường hợp tử vong do ăn khế ở những người suy thận đã được ghi nhận. Thủ phạm đã được xác nhận đó là do chất caramboxin có trong khế. Caramboxin không được xem là chất phản dinh dưỡng mà đó là một độc chất thần kinh.

Ngoài ra, trong khế cũng có hàm lượng acid oxalic khá cao so với các loại trái cây khác. Acid oxalic mới được xem là chất phản dinh dưỡng. Những người bị sạn thận không nên ăn khế quá nhiều, vì với hàm lượng cao oxalic như thế, sỏi thận dễ tái phát.

Theo VietQ

-----------------------

Xem thêm:

Cây mía, quả khế, hạt điều cũng sẽ thành 'kẻ giết người' nếu ăn sai cách

Cây mía, quả khế, hạt điều....đều có những thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu bảo quản và ăn không đúng cách sẽ vô cùng nguy hiểm.

Cây mía

Bản thân cây mía không gây hại gì nhưng để quá lâu thì ảnh hưởng của nó không “ngọt ngào” chút nào. Nếu để lâu vài tháng, trên cây mía sẽ xuất hiện một loại nấm.

Nấm này sản sinh ra các độc tố gây nôn mửa, nhìn một bên, co giật, co thắt hoặc hôn mê. Độc tố này gây hại cho mọi lứa tuổi nhưng nạn nhân phổ biến là trẻ em và người trẻ tuổi. Khi ăn phải loại nấm này, người ăn có thể tử vong hoặc bị bệnh thần kinh kéo dài.

Cây mía, quả khế, hạt điều cũng sẽ thành 'kẻ giết người' nếu ăn sai cách

 Nếu mía để lâu ngày mà vẫn ăn sẽ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa

Quả khế

Tại một số nước nhiệt đới, quả khế còn được dùng làm thuốc trị bệnh, nhưng những người bị bệnh thận tuyệt đối nên tránh xa quả này vì có thể gây chết người.

Quả khế có chứa những độc tố ảnh hưởng đến não và gây rối loạn thần kinh. Ở những người có thận khỏe thì độc tố này được xử lý và loại bỏ nhưng người bị bệnh thận kinh niên không thể giải độc tố trong quả khế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.

Khoai tây mọc mầm

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khoai tây thuộc họ cà, gồm những loài thực vật ưa bóng râm. Nững loài thuộc họ này đều có chứa độc tố có tên gọi solanin.

Trong khoai tây, solanin tập trung phần lớn ở cành và các mầm, do vậy, người dân cần lưu ý cắt bỏ hết những bộ phận này trước khi chế biến chúng. Ngoài ra, những củ khoai tây xanh cũng đặc biệt chứa hàm lượng solanin rất cao, chúng ta nên tránh.

Hạt táo

Có thể bạn đã từng nghe hoặc chưa biết, trong hạt táo có chứa các chất độc cyanid. Cụ thể hơn, chúng có chứa amygdalin, một chất có thể giải phóng cyanid khi tiếp xúc với các enzyme tiêu hóa của đường ruột. 

Bình thường, lớp vỏ ngoài rắn chắc của hạt táo giúp ngăn cản hiện tượng này xảy ra, trừ khi bạn nhai nát hạt táo trước khi nuốt nó vào bụng. Bạn sẽ phải tiêu thụ khoảng 200 hạt táo được nhai kỹ để có thể tạo ra một liều cyanid đủ để gây tử vong. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa thì bạn cũng nên loại bỏ hạt táo trước khi ăn bởi đơn giản là chúng cũng có vị không hề hấp dẫn.

Cây mía, quả khế, hạt điều cũng sẽ thành 'kẻ giết người' nếu ăn sai cách

Hạt táo cũng là một thứ rất nguy hiểm nếu ăn phải. Ảnh minh họa 

Ớt

Capsaicin chính là chất tạo ra vị cay khi ăn ớt. Trong y khoa Capsaicin được liệt kê vào hàng độc dược. Khi ăn với một lượng vừa phải ớt sẽ có tác dụng bảo vệ cơ thể, phòng tránh một số bệnh, đồng thời giúp ăn ngon miệng hơn nhưng ăn quá nhiều ớt có thể gây tăng huyết áp, tổn thương dây thần kinh và làm nghiêm trọng thêm một số bệnh đã mắc phải như dạ dày, viêm da, viêm gan...

Hạt điều

Trong hạt điều thô có chứa urushiol - một loại độc tố giống như độc tố chứa trong cây thường xuân và có thể gây tử vong nếu ăn nhiều. Vì vậy, chỉ mua và sử dụng những hạt điều thô đã được hấp để loại bỏ độc tố. Tránh không ăn hạt điều thô chưa qua xử lý.

Theo vietq