Bộ Y tế: Bắt, xử lý nhiều vụ bán thực phẩm chức năng qua mạng, tổng đài tư vấn

Cục An toàn thực phẩm cho biết thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh.

Ngày 22/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn có hình thức quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng, mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

bo-y-te-bat-xu-ly-nhieu-vu-ban-thuc-pham-chuc-nang-qua-mang-tong-dai-tu-van

Điều đáng chú ý là những lời giới thiệu này tự cho là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định

Điều đáng chú ý là những lời giới thiệu này tự cho là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định nhất là các sản phẩm: Xương khớp; Sinh lý nam; Tiểu đường; Kích thích mọc tóc; Trị mất ngủ...

"Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát" - Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Đơn vị này đã bắt và xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Trong khi các cơ quan quản lý đang tích cực phối hợp xử lý, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên.

Thời gian gần đây, các bệnh viện, các bác sĩ liên tiếp ra các thông báo cảnh báo mạo danh bệnh viện đi quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng...

Mới nhất là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh viện này còn đưa ra thông báo tình trạng các đoàn thể mạo danh bệnh viện tổ chức chương trình du lịch khám chữa bệnh tại một số địa phương.

Theo đó, bệnh viện nhận được phản ánh về việc một số đoàn mạo danh bệnh viện thực hiện các hoạt động trên tại Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác.

bo-y-te-bat-xu-ly-nhieu-vu-ban-thuc-pham-chuc-nang-qua-mang-tong-dai-tu-van

Một fanpage mạo danh bệnh viện 108

Thậm chí, trên nhiều trang fanpage, tài khoản Facebook, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng những từ khóa “Bác sĩ viện 108”, “viện 108”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.

Đây là một hình thức giả mạo có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc và thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng dịch vụ cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định: Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ghi “Viện 108” ngoài khuôn viên bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh thành khác đều là các cơ sở giả mạo.

Bệnh viện chưa triển khai kiểm nghiệm các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vì vậy thông tin quảng cáo của các nhà sản xuất, các cá nhân quảng cáo dược phẩm điều trị bệnh, hay mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp (làm đẹp da, thẩm mỹ nhũ hoa, thuốc trị nám…) được kiểm nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều là những thông tin không chính xác.

Theo GiaDinh