Bột nhừ công nghiệp nhừ xương trong 10 phút: Nguy hại rợn người

Bột nhừ công nghiệp có chứa thủy ngân có độc tính rất cao. Dùng thức ăn có chứa thủy ngân thì chất này sẽ tích lũy dần trong não, thận, gan, tóc và da, tồn tại dai dẳng trên cơ thể con người, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Không được bày bán công khai, nhưng bột nhừ (bột khai) đang trở thành “bí quyết làm mềm xương, mềm thịt vừa nhanh vừa ngon” tại nhiều quán ăn, cửa hàng chế biến đồ ăn sẵn. Thậm chí cả khi luộc lạc, luộc ngô, khoai, sắn người ta cũng dùng loại bột này để rút ngắn thời gian chế biến…

Tại các chợ như chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân hay chợ Hôm, người tiêu dùngdễ dàng tìm mua được bột nhừ với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng nói là các kiot đều không bày bán công khai loại hàng này. Khi khách có nhu cầu, chủ kiot sẽ hỏi mua bao nhiêu, nếu chắc chắn mua thì người bán mới lấy hàng ra.

Bột nhừ là một trong những tên gọi của muối natri hydro carbonat (NaHCO3). Trong chế biến thực phẩm, loại phụ gia này có tác dụng điều chỉnh độ chua, chống đông vón và tạo xốp. Vì thế, bột nhừ thường được sử dụng để ninh chè đỗ đen, ninh xương, thịt bò,... Mục đích sử dụng đúng như tên gọi của phụ gia này: Giúp thực phẩm nhanh nhừ, tiết kiệm thời gian và năng lượng đun nấu.

Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ dùng 45gram/kg, tức là tối đa 1 - 2 thìa canh trong 1kg thực phẩm cần chế biến. NaHCO3 nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, tuy nhiên, cần phân biệt rõ hóa chất NaHCO3 loại dùng trong công nghiệp với loại dùng trong thực phẩm(có độ tinh khiết cao). NaHCO3 dùng trong công nghiệp thường có mùi vôi nồng. Còn loại dùng chế biến thực phẩm thường không mùi, không vị và đặc biệt là màu rất trắng do có độ tinh khiết cao.

Theo các chuyên gia, đối với những phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng của Việt Nam liều an toàn đối với người được tính bằng mg trên kg trọng lượng cơ thể. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Công nghệ Hóa học, ĐHKHTN (ĐHQGHN), bột nhừ chính hiệu bản chất là các enzim tiêu hóa, được sử dụng để làm mềm thức ăn nhanh nhưng rất khó sản xuất đại trà và giá không hề rẻ.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ bột nhừ thật lại có giá 30.000đồng/kg. Ở Việt Nam chưa sản xuất được bột nhừ chính hiệu, nếu nhập về và bán thì giá phải lên đến hàng triệu đồng/kg”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trên thị trường hiện nay, nhiều người bán nhập nhèm bột mềm công nghiệp (thường có thành phần asen, thủy ngân và nhiều tạp chất khác) giá rẻ, vốn chỉ được dùng trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp hoặc để làm sạch các vết bẩn trên gạch men, bồn sứ, bồn vệ sinh, nệm da, sàn nhà… với bột mềm thực phẩm. Dùng bột nhừ công nghiệp để chế biến thực phẩm sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

Nhiều chuyên gia y tế cho biết, thủy ngân có độc tính rất cao. Dùng thức ăn có chứa thủy ngân thì chất này sẽ tích lũy dần trong não, thận, gan, tóc và da, tồn tại dai dẳng trên cơ thể con người, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trong khi đó, asen cũng là chất cực độc. Nếu thâm nhập cơ thể con người mỗi ngày một ít với liều lượng nhỏ nhưng trong thời gian dài, chất này sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm, sạm da, rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, viêm dạ dày và ruột... Lâu dài hơn, asen còn có thể gây ung thư.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng cần phân biệt rõ cùng một tên sản phẩm nhưng dùng trong thực phẩm thì khác, còn dùng trong công nghiệp và những lĩnh vực dân dụng lại khác. Người chế biến thực phẩm không thể đánh đồng lẫn lộn giữa hai cái, rồi đưa sản phẩm phụ gia công nghiệp rồi vào sử dụng trong thực phẩm, làm cho người dân hoang moang. Rõ ràng chúng ta có luật cấm hành vi sử dụng phụ gia công nghiệp vào chế biến thực phẩm.

Theo các chuyên gia, đối với những phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng của Việt Nam liều an toàn đối với người được tính bằng mg trên kg trọng lượng cơ thể. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

PGS. TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước mắt sử dụng những thực phẩm có “chất độc” chưa gây ảnh hưởng ngay nhưng về lâu dài có thể tích lũy, đến khi đủ số lượng sẽ gây tổn thương gan, thận, tế bào, thậm chí tổn thương tế bào não, bệnh mãn tính, đột biến gen.

Theo Ngọc Anh (Người Đưa Tin)