Bún nước lèo - đậm đà hương vị miền Tây Nam bộ

Bún nước lèo không chỉ có ở các tỉnh miền Tây Nam bộ mà thực khách có thể thưởng thức bún cá ở nhiều nhà hàng, quán ăn tại nhiều nơi khác nhau trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên, có lẽ không nơi nào có hương vị đậm đà đặc trưng như khi ăn tại Đồng bằng sông Cửu Long và do chính người dân nơi đây chế biến.

 
Bún nước lèo Sóc Trăng lại được mệnh danh là “đệ nhất” bún của miền Tây Nam bộ

Khi nói đến bún, bên cạnh bún cá Châu Đốc, bún nước lèo Trà Vinh, bún mắm Sóc Trăng,… Mỗi nơi đều mang một hương vị riêng, làm mê lòng không ít người khi tới vùng đất trù phú này. Tuy nhiên bún nước lèo ở Sóc Trăng lại được mệnh danh là “đệ nhất” bún của miền Tây Nam bộ. Nếu như các tỉnh khác thường chế biến bằng: mắm cá linh, mắm cá sặc… thì bún nước lèo Sóc Trăng là phải dùng mắm bò hóc. Món mắm này là loại mắm đặc biệt của người Khmer, và nguyên liệu này không thể thiếu trong món bún nước lèo Sóc Trăng.

Để cho món bún nước lèo được thơm ngon, đậm đà, khâu nấu nước dùng là rất quan trọng. Đầu tiên phải rã mắm trong nước sôi, để thịt mắm tan ra hết, sau đó lọc bỏ xương mắm để lấy nước riêng. Cho thêm sả đập dập, ớt, ngải bún, ninh thêm xương ống, xương sườn hoặc tôm để cho to bún thêm đậm đà, hấp dẫn. Khi nước đang sôi thì hớt bọt để cho nước lèo có độ trong và ngọt, sau đó nấu chung với nước mắm đã lọc xương ở trên. Tùy vào từng cách chế biến của người nấu, cách nêm gia vị khác nhau, tạo nên những nét đặc trưng của từng địa phương. Có nhiều thường bỏ thêm nước dừa xiêm vào nên nước dùng có vị thanh rất tự nhiên.


Tô bún nuước lèo có mùi thơm của sả, ngải bún, ngọt đến tê đầu lưỡi, chút mằn mặn, thơm ngọt của mắm và chút giòn của thịt heo quay...

Một trong nguyên liệu quan trọng, góp phần làm nên thành công của món ăn đó chính là bún. Bún được làm từ loại gạo dẻo, tốt nhất là gạo mùa, ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Sau đó chế biến, tạo thành những sợi bún trong, dẻo thơm.

Bún nước lèo được ăn cùng với lóc luộc, đã bỏ hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay cắt thành từng miếng và thêm cả bánh cóng Sóc Trăng. Thường ăn kèm với rau muống bào, bắp chuối thái mỏng, giá, hẹ sống, rau húng, rau quế, chanh và ớt. Sau khi chần bún qua nước lèo xong, cho vào tô, xếp lần lượt cá, tôm, thịt quay, thêm chút hẹ, giá. Múc nước lèo rưới lên bún. Để tăng thêm hương vị của món ăn, có thể cho thêm chút chanh, ớt, rau…

Tô bún có mùi thơm của sả, ngải bún, tỏa hương thơm ngào ngạt, ngọt đến tê đầu lưỡi, chút mằn mặn, thơm ngọt của mắm và chút giòn của thịt heo quay, dai dai của tôm, mùi hơi hăng của rau thơm.

Nếu có dịp đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, bạn đừng quên thưởng thức tô bún nước lèo nóng hổi, thơm nồng nhé!

 Theo Gia Bạc(PNKV)