Cá chết hàng loạt, ô nhiễm không khí: Cần một chữ tâm vì cộng đồng

Cá chết trắng dọc bờ biển miền Trung, ô nhiễm ở cấp cảnh báo tại Hà Nội đặc biệt là phát hiện có thủy ngân trong không khí… đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối. Những nguyên nhân được chỉ ra khiến nhiều người hoang mang nhưng xót xa hơn nữa là nỗi lo mang tên “ô nhiễm từ tâm”.

Nhìn từ những hiện trạng gây nhức nhối

Cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên  Huế là câu chuyện thời sự nóng hổi được cả nước quan tâm nhiều ngày nay.

Hình ảnh cá chết trắng dọc bờ biển, những con cá bắt đầu phân hủy và nước mắt của người ngư dân, của biết bao người dân thực sự là nỗi ám ảnh với không chỉ ngư dân nơi đây.

Cá chết hàng loạt, ô nhiễm không khí: Cần một chữ tâm vì cộng đồng

Ngư dân và nỗi đau cá chết. Ảnh: Tuổi trẻ. 

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân cá chết ở ven biển miền Trung là do độc chất mạnh. Hôm qua (ngày 25/4), chúng ta lại đau buồn nghe thêm tin sét đánh, một thợ lặn ở công trình dự án Formosa tử vong khi đang ở khu ký túc xá công ty Nibelc tại Quảng Trạch (Quảng Bình).

Gần đây, cũng trong giai đoạn cá chết hàng loạt, nhiều thợ lặn khi lặn biển đều có dấu hiệu người mệt, đau mỏi, tức ngực, khó thở. Dù chưa có kết luận chính thức nhưng nguyên nhân cái chết của thợ lặn này được cho là nhiễm chất độc khi lặn biển.

Trở lại câu chuyện chất độc ở miền Trung, liệu hiện tượng này chỉ dừng lại ở 4 tỉnh kể trên? Mùa du lịch biển sắp tới, mùa đánh bắt thủy hải sản của bà con bị thiệt hại thế nào?... Hàng chục, hàng trăm câu hỏi gây nhức nhối và hoang mang đang chờ đợi được giải quyết.

Bên cạnh chuyện cá chết thì vấn đề ô nhiễm ở thủ đô Hà Nội lên mức đỉnh điểm một vài ngày gần đây lại khiến người dân vô cùng hoang mang.

Từ đầu tháng 3/2016, chất lượng không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức báo động khi nhìn vào giá trị quan trắc. Cũng thời gian này, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo chỉ số chất lượng không khí ở mức 388 điểm, đây là mức nguy hiểm.

Một thông tin đáng quan tâm, theo các thiết bị đo đạc, quan trắc có phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt và chưa phát hiện thủy ngân ở nhiều nơi.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng, đáng báo động.

 “Ô nhiễm từ tâm” - nguyên nhân gây xót xa

Cá chết do chất độc mạnh. Đúng! Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội phần lớn do xe cộ tăng dần. Đúng! Nhưng tất cả chưa đủ.

Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa, bản chất của hiện tượng cá chết, hiện tượng ô nhiễm môi trường đang khiến nhiều người đau đầu những ngày này? Câu trả lời nằm trong ý thức của người dân, nằm trong vấn đề thương mại hóa mọi thứ bất chấp sự phát triển bền vững của môi trường.

Cá chết hàng loạt, ô nhiễm không khí: Cần một chữ tâm vì cộng đồng

Con người đang phải hứng chịu hậu quả do chính mình gây ra. Ảnh minh họa. 

Con người đang làm gì với biển, với không khí? Có ai dám tự đặt cho mình câu hỏi ấy và nhìn nhận vào chính hành động của mình?

Những bãi rác xả ngay trên mặt biển, rác lênh láng, những chất thải từ các nhà máy, doanh nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường… Vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội có lẽ chẳng còn cần phải nói nhiều nữa. Ai cũng biết, chỉ cần một hành động nhỏ thiếu ý thức của gần 8 triệu dân Thủ đô sẽ nhanh chóng biến nơi đây trở thành… bãi rác công cộng trong chớp mắt.

Thương mại hóa luôn tồn tại 2 mặt mà một phần là áp lực đè lên vấn đề môi trường. Nhưng thương mại hóa không thể bất chấp sự giảm thiểu chất lượng trầm trọng của môi trường. Bây giờ không phải đã đến lúc phải nhìn lại nữa mà đã muộn để nhìn lại và xử lý. Nhưng muộn chẳng phải hơn là chúng ta không  hành động?

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phan Phúc Thắng cũng nhấn mạnh về nguyên nhân con người. Anh khẳng định sự vô tâm và hám lợi của một số người hoặc doanh nghiệp đã gây nên hiện tượng trên.

Theo anh, "vin cớ" và thương mại hóa thôi chưa đủ. Hành động trên có thể nguồn từ sự vô trách nhiệm, thiếu lương tâm nghề nghiệp của họ với cộng đồng. Nhiều người tạm quên đi điều đó vì mải miết kiếm tiền.

Chuyên gia Phan Phúc Thắng cũng lên tiếng kêu gọi phải sống bằng cái tâm của chính mình và lòng hướng thiện đối với môi trường và cuộc sống của chúng ta.

Dẫu vậy, không thể trách người dân. Lỗi của người dân đang nằm ở một nửa của vấn đề. Bởi lẽ không chỉ ở Việt Nam có tình trạng ô nhiễm hay thực phẩm bẩn nhưng tại sao ở Việt Nam mọi thứ lại trầm trọng đến vậy. Một lần nữa các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để nhìn nhận sâu hơn về vấn đề này.

Theo Nguyệt Minh ( emdep )