Các lớp mầm non không được tuyển quá chỉ tiêu 35 học sinh

Có hiệu lực từ ngày 8.1.2016, trong Điều lệ giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành có quy định ở bậc giáo dục mầm non, các trường không được nhận quá 35 học sinh/lớp.

Bộ Giáo dục và đào tạo quy định rõ trong điều lệ là trẻ em từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi được tổ chức thành các nhóm học sinh. Số trẻ tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau: Nhóm trẻ từ 3-12 tháng tuổi là 15 trẻ, nhóm trẻ từ 13-24 tháng tuổi là 20 trẻ, nhóm trẻ từ 25-36 tháng tuổi là 25 trẻ. 

Trẻ em từ 3-6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo, với số trẻ tối đa trong một lớp như sau: Lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 25 trẻ; 30 trẻ đối với lớp mẫu giáo 4-5 tuổi; 35 trẻ với lớp mẫu giáo 5-6 tuổi. Đây chính là điểm mấu chốt nhất quy định mỗi lớp không được nhận quá 35 học sinh.

Nếu số lượng trẻ em trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa được quy định thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép. Ngoài ra, mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 2 trẻ cùng một loại khuyết tật. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có đủ số lượng giáo viên theo quy định hiện hành. Nếu nhóm, lớp có từ 2 giáo viên trở lên thì phải có 1 giáo viên phụ trách chính.

Chia sẻ điều này với báo điện tử Một Thế Giới, cô Nguyễn Thị Thủy - hiệu trưởng trường Dịch Vọng Hậu (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Trường mầm non Dịch Vọng luôn là một trường trung tâm của nội thành Hà Nội. Việc các học sinh theo học tại trường mỗi năm rất đông, có khi lên tới 50-70 cháu/lớp. Trong khi đó trang thiết bị vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ cho các cháu học tập vì các hộ dân xung quanh rất nhiều. Ai cũng muốn con cái được vào học trong trường, việc giới hạn số lượng học sinh sẽ khiến nhà trường khó khăn trong việc lựa chọn để tuyển sinh.

Cũng theo điều lệ mới ban hành này, các trường hoặc nhà trẻ sẽ bị đình chỉ khi xảy ra một trong những trường hợp: Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; không bảo đảm một trong các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục. Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền; không triển khai hoạt động giáo dục kể từ ngày được cho phép hoạt động giáo dục, vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ.

Trong việc tổ chức và tuyển chọn những giáo viên đứng lớp và dạy dỗ, nếu các giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bạo hành các cháu nhỏ như các trường hợp báo chí vừa nêu trong năm 2015 thì trường sẽ bị đình chỉ dạy và tuyển sinh nếu như không khắc phục lỗi.

Theo Minh Khuê ( Một thế giới)