Cẩn trọng thuốc gia truyền kê đơn không cần khám trên mạng

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thị trường thuốc Đông y, Nam y gia truyền trên mạng chưa bao giờ nhộn nhịp như hiện nay. Thầy lang gia truyền” còn sáng tạo ra khâu khám bệnh và bán thuốc qua mạng bỏ qua khâu bắt mạch, kê đơn.

Thuốc gia truyền mặc cả dễ dàng

Tìm theo địa chỉ một trang web bán thuốc mọc tóc gia truyền mà người bạn thân giới thiệu, chị Khánh Ly (Cầu Giấy, Hà Nội) khá ngạc nhiên khi đơn vị chào bán thuốc như buôn quần áo. Theo đó, những lời quảng cáo có cánh dán kèm khắp các ảnh đại diện, hình nền: Bán thuốc giá rẻ, hiệu quả, không dị ứng và đặc biệt có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Khách mua lẻ sẽ được giảm giá 20%, mua buôn giảm tới 50%...

Không chỉ bán thuốc mọc tóc, chữa bệnh hói, trang web này còn chào mời thuốc trị nám, sâu răng, hôi miệng, hôi nách cho đến chữa dạ dày, điều trị ung thư... Tất cả ở dạng bột, mỗi gói dao động 60.000-200.000 đồng.

"Người bán hàng cho biết, một gói trị rụng tóc là 120.000 đồng, trong khi cô bạn thân chỉ mua với giá 100.000 đồng. Tôi trả kém hơn 20.000 đồng một gói thì nhân viên băn khoăn một thoáng rồi đồng ý. Thế nhưng, tính cả tiền vận chuyển thì gói thuốc vẫn có giá không đổi", chị Ly kể.

"Tôi không nghĩ, mua thuốc lại có thể mặc cả như mua mớ rau ngoài chợ", chị Ly tỏ ra khá hoang mang với cách bán hàng đẩy giá gốc như ngoài chợ và khuyến mại tương đối lớn, đặc biệt với mặt hàng thuốc như cửa hàng trên. 

Thậm chí, những người chuyên bán quần áo trên Facebook, dù không có chuyên ngành y dược nhưng lại bán thuốc đông y gia truyền, trị hôi nách, nám và hôi miệng...

Khi nhận hàng, chị Ly khá bất ngờ khi thuốc chỉ được đựng trong một chiếc túi nylon hoặc hộp nhựa trong suốt, không nhãn dán, thương hiệu, thậm chí không có cả tờ hướng dẫn sử dụng. Chị Ly thắc mắc thì được người bán lý giải, các thông tin về thuốc đều đã đưa đầy đủ lên mạng. Nếu khách cần hỏi thêm sẽ liên lạc theo số điện thoại lấy hàng hoặc nhắn tin trực tiếp trên facebook để hỏi.

Tuy nhiên, chị Thanh, người bán thuốc đông y gia truyền tại Hà Nội cho biết, việc bán hàng qua Facebook, mạng xã hội đáp ứng yếu tố có cầu ắt có cung. "Mỗi đơn vị làm thuốc đều có thương hiệu riêng và đều có nhu cầu quảng cáo sản phẩm. Do đó, các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng là cách để giới thiệu sản phẩm. Khi khách hàng sử dụng có hiệu quả, họ sẽ giới thiệu cho người khác. Việc bán thuốc qua Facebook, mạng xã hội cũng là một hình thức bán hàng hiệu quả hiện nay được nhiều đơn vị áp dụng", chị cho hay. 

Khó kiểm chứng chất lượng thuốc gia truyền trên mạng

Dính phải thuốc gia truyền "dạo" có vấn đề, chị Hoàng Linh, 43 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội đã mua phải thuốc chữa viêm xoang dởm. Bị mắc bệnh viêm xoang, thời tiết thay đổi rất khó chịu. Chị cũng đi chữa vài nơi nhưng chưa hiệu quả và sợ phẫu thuật, nên khi tra cứu trên mạng xã hội, chị tình cờ đọc được lời quảng cáo: “Điều trị bệnh viêm xoang bằng thuốc Đông y gia truyền lâu đời của nhà thuốc Đông y giá thành thấp, hiệu quả nhanh, đã được kiểm chứng trên hàng vạn bệnh nhân trong và ngoài nước” của một “thầy” tự cho là có toa thuốc gia truyền chuyên trị xoang hiệu quả.

Cẩn thận, chị Linh còn đọc các bình luận bên dưới để kiểm chứng thì thấy khá yên tâm vì nhiều “lời khen và cảm ơn”. Thêm vào đó là cách khám bệnh đơn giản, chỉ cần chị viết ra triệu chứng, người bán thuốc sẽ kê đơn và gửi thuốc về tận tay cho chị, không phải đi lại, xếp hàng chầu chực, giá cũng vừa phải nên chị gật đầu mua luôn. Ban đầu chị thấy đúng là các triệu chứng giảm nên rất mừng. Nhưng sau khi sử dụng gần hết toa, chị thấy chân tay có dấu hiệu mỏi và có những cơn đau dạ dày. Tá hỏa, chị Linh ngưng không sử dụng thuốc 'gia truyền' mua trên mạng nữa.

Cẩn trọng thuốc gia truyền kê đơn không cần khám trên mạng
Cẩn trọng thuốc gia truyền bán tràn lan trên mạng

Trên mạng xã hội facebook, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhìn thấy vô số các tài khoản chuyên bán thuốc gia truyền chuyên trị các bệnh mạn tính như “Bài thuốc dạ dày”, “Đông y Việt Nam”, “Thuốc gia truyền Việt Nam”, “Thảo dược Đông y giảm cân bà Dung”, “Thuốc điều kinh gia truyền bà Bục”… Không chỉ riêng Facebook, trên các mạng Zalo, Viber cũng có khá nhiều quảng cáo bán thuốc. Các tài khoản này đều giới thiệu chuyên trị các bệnh mạn tính và tên “lương y” bào chế thuốc rất sơ sài, đại khái như bà Dung, bà Bục, bà Hòe, ông Hai… nhưng vẫn có số lượng người theo dõi rất lớn.

Một bác sĩ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thông thường thì Đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nhiều người hám lợi đã trộn thêm các chất tân dược. Thí dụ như corticoid chẳng hạn, đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng, nhưng hậu quả lại khó lường nếu quá liều lượng. Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc Đông y trộn chất này, nhẹ thì bị phù thận, suy thận, loãng xương, đau dạ dày, nặng thì xuất huyết tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thuốc, kể cả Đông dược đều là mặt hàng tác động đến sức khỏe con người nên rất được các cơ quan quản lý lưu tâm. Tuy nhiên, việc xử lý những người kinh doanh thuốc Đông y không có địa điểm kinh doanh rõ ràng vốn rất khó, nhất là bán qua mạng.

Nhiều người luôn quan niệm rằng thuốc Bắc, thuốc Đông dược có nguồn gốc cây cỏ tự nhiên, không bao giờ ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu không chữa được bệnh cũng không hại gì. Thực tế không phải như vậy, bởi nếu nguồn gốc thuốc mập mờ, chưa kể thuốc giả, thuốc tẩm hóa chất sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Theo NTD