Cấp "khống" giấy phép cho 808 sản phẩm kém chất lượng tại Tổng cục Thủy sản

Một đường dây chuyên làm giả văn bản, cấp chứng nhận lưu hành trái phép cho các sản phẩm là thức ăn chăn nuôi trong lĩnh vực thủy sản và sản phẩm cải tạo môi trường thủy sản vừa bị phát giác tại Tổng cục thủy sản.

Cấp "khống" giấy phép lưu hành 808 sản phẩm kém chất lượng...

Theo điều tra của đoàn xác minh thuộc Tổng cục thủy sản, từ năm 2013-2015, một số cán bộ Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (gọi tắt Trung tâm) – trực thuộc Tổng cục Thủy sản đã bắt tay với cán bộ hành chính của Tổng cục Thủy sản cấp “khống” giấy phép lưu hành cho 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Đây đều là các sản phẩm không đảm bảo chất lượng và không đủ tiêu chuẩn để được cấp phép lưu hành.

Các ông Bùi Đức Quý là giám đốc Trung tâm đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là còn Phó Phòng Hành chính – Tổng Cục thủy sản) làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.

Cụ thể, ông Quý sau khi ký nháy vào các bản phụ lục này đã giao cho bà Hà tổng hợp và đi lấy chữ ký của lãnh đạo. Sau đó, bà Hà cầm văn bản xuống văn phòng để ông Lê Tuấn Anh cấp số công văn và đóng dấu lưu hành.

Kết luận xác minh cho biết, các đối tượng trên đã cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hành vi vi phạm với mục đích vụ lợi. Trong quá trình thực hiện hành vi trên, bà Vũ Thị Thu đã chuyển tiền 2 lần cho ông Bùi Đức Quý với tổng số tiền là 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà - người quen của bà Thu 3 lần với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng/sản phẩm nhận làm cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, 5 triệu đồng cho 1 sản phẩm là một mức giá quá rẻ mạt. Chỉ vì tham vài triệu đồng mà các cán bộ này đã đánh đổi cả cơ nghiệp của những người dân đang nuôi trồng thủy sản.

Những hành vi vi phạm của các cán bộ này không những gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, lưu hành sản phẩm mà còn có thể gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới người nuôi trồng thuỷ sản nếu họ mua và sử dụng các sản phẩm được lưu hành trái luật do chất lượng không đảm bảo.

Cấp khống giấy phép cho 808 sản phẩm kém chất lượng tại Tổng cục Thủy sản
Bê bối tại Tổng cục Thủy sản. (Ảnh: Portan.vnmedia.vn)

...Chỉ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân ?

Theo xác minh của đoàn kiểm tra, đã có 3 văn bản bị làm “khống” với 808 sản phẩm được cấp giấy phép lưu hành trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo đoàn xác minh, một công văn ngày 1/4/2013 thông báo về các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam có tới 2 văn bản cùng số, cùng ngày cùng trích yếu văn bản như nhau nhưng phần phụ lục lại khác nhau.

Bản gốc của công văn này được lưu tại Văn phòng Tổng cục với phụ lục kèm theo chỉ có 30 sản phẩm. Trong khi đó, bản chính được phát hành có 194 sản phẩm. Công văn đã bị ghép và phát hành vào khoảng tháng 12/2014. Theo đó, 164 sản phẩm được phép thêm vào phụ lục đã được đưa vào lưu hành trái pháp luật cũng kể từ tháng 12/2014.

Tổng cục Thuỷ sản chỉ ra rằng, để ghép phụ lục công văn này có sự tham gia của ông Nguyễn Huy Bàn, ông Bùi Đức Quý, ông Lê Tuấn Anh và bà Đỗ Thị Hà. Đáng lưu ý, thời điểm này, ông Quý thậm chí còn đã thôi chức Giám đốc Trung tâm.

Ngoài công văn trên, 4 người này còn tiếp tục làm giả phần phụ lục tại 2 công văn khác về thông báo thức ăn thuỷ sản và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu. Theo đó, có thêm 130 sản phẩm thức ăn thuỷ sản đã được ghép thêm vào phụ lục và được đưa vào lưu hành trái luật từ tháng 6/2014. Đồng thời, có 171 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được ghép thêm vào và đưa vào lưu hành trái luật từ tháng 6/2014.

Câu hỏi đặt ra, tại sao sự việc diễn ra đã gần 2 năm, các sai phạm đã được chỉ rõ mà đến thời điểm này Thanh tra Bộ mới bắt tay vào thanh tra sự việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu báo chí không phanh phui ra sự việc này thì rất có thể các cấp quản lý đã rất muốn “ỉm” nó đi để dễ dàng hơn trong việc xử lý nội bộ.

Và điều bà con nông dân đang rất cần lúc này là Tổng cục thủy sản phải công bố danh sách hơn 800 sản phẩm đã được cấp giấy lưu hành trái phép hiện đang được bán trôi nổi trên thị trường là những sản phẩm nào và danh tính của 72 doanh nghiệp đã mua giấy phép chui.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu sự việc, PV không được các cơ quan liên quan cung cấp bất cứ một thông tin gì liên quan đến danh sách các sản phẩm và danh tính của doanh nghiệp.

Xử lý các sai phạm trên, các cá nhân bị tố cáo và các cá nhân được phát hiện trong quá trình xác minh tố cáo được yêu cầu thực hiện tự kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại đơn vị công tác và trước hội đồng kỷ luật công chức, viên chức của Tổng cục Thuỷ sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu thu hồi những văn bản trái pháp luật và tham mưu ban hành quyết định thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp trong quá trình giải quyết tố cáo. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Tổng cục Thuỷ sản tham mưu Tổng cục trưởng về quy trình, tổ chức thực hiện xử lý, kỷ luật về chính quyền, về đảng đối với 8 cán bộ liên quan.

Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng thuỷ sản cũng được giao rà soát quy chế, quy trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề xuất hướng xử lý đối với toàn bộ sản phẩm thức ăn thuỷ sản, chất xử lý cải tạo môi trường được được thông báo đáp ứng nhưng chưa có tên trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định hiện hành.

Theo tiêu dùng 24g