Chủ cửa hàng hoa quả chỉ cách nhận biết hồng xiêm chín ép bằng hóa chất

Nhiều người vì muốn hồng xiêm chín nhanh nên đã cho một lượng lớn hóa chất vào, có thể chỉ sau 2-3 giờ đồng hồ là quả sẽ chín đều.

Hồng xiêm là loại quả được bán nhiều vào mùa hè tuy nhiên trên thực tế, đây cũng là loại trái cây được ép chín nhiều bằng thuốc.

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ Tp.HCM, chị Nguyễn Thị Lý, một chủ cửa hàng hoa quả trên phố Láng Hạ, Hà Nội cho biết: "Nếu để hồng xiêm chín tự nhiên trên cây rồi trẩy đi bán thì rất khó khăn cho việc vận chuyển, bảo quản nhất là với số lượng lớn. Hơn nữa, cách này cũng không thích hợp với việc thu hái với số lượng lớn.

Thông thường, người ta sẽ thu hái những quả già rồi về giấm chín. Tuy nhiên, cách giấm như thì lại có rất nhiều kiểu, có kiểu an toàn, có kiểu không.

Cũng có nhiều người vì muốn hồng xiêm chín nhanh nên đã cho một lượng lớn hóa chất vào, có thể chỉ sau 2-3 giờ đồng hồ là quả sẽ chín đều".

Tuy nhiên, theo chị Lý cách phân biệt, nhận biết hồng xiêm chín ép bằng hóa chất là không khó.

Chủ cửa hàng hoa quả chỉ cách nhận biết hồng xiêm chín ép bằng hóa chất
Qủa hồng xiêm chín tự nhiên, vỏ không nhẵn, có màu nâu nhạt và vẫn còn vân xanh.

"Theo kinh nghiệm của tôi, quả hồng xiêm chín bằng hóa chất sẽ có vỏ ngoài bóng, thẫm màu hơn quả hồng xiêm chín tự nhiên, trông không được tươi bằng quả chín cây.

Trong khi đó, hồng xiêm chín tự nhiên vỏ ngoài không trơn bóng mà vẫn còn lớp phấn phủ ngoài, khi xoa đầu ngón tay vào sẽ thấy rơi ra rất nhiều. Vỏ hồng xiêm thường có màu nâu nhạt, vẫn thấy có vân màu xanh qua lớp vỏ mỏng.

Về mùi vị,  hồng xiêm chín tự nhiên sẽ có mùi thơm dịu, cát mịn, ăn có vị ngọt mát. Trong khi đó, hồng xiêm ngâm hóa chất chín ép, nếu là quả già sẽ cho vị ngọt đậm tuy nhiên không có mùi vị đặc trưng của hồng xiêm. Nếu là quả vẫn còn non thì ăn rất nhạt, không có mùi thơm, thậm chí khi ăn sẽ bị nhựa dính vào răng", chị Lý cho biết.

Theo chị Lý, để không mua phải hồng xiêm giấm thuốc, người tiêu dùng có thể mua hồng xiêm xanh về rồi tự giấm. Cách giấm rất đơn giản, chỉ cần lấy một chiếc thùng, lót dưới đáy thùng một lớp lá xoan. Sau đó bỏ hồng xiêm vào thùng và đốt vài nén hương cắm vào trong rồi đóng chặt nắp thùng khoảng 2 – 3 hôm là hồng xiêm sẽ chín.

Cùng trao đổi về vấn đề giấm hoa quả bằng hóa chất, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Hiện nay, trong sản xuất, nhiều loại trái cây người không thể nào đợi chín mới thu hoạch bởi như thế rất ảnh hưởng đến năng xuất, lợi nhuận của người trồng, trên thế giới người ta cũng không làm như vậy. Người ta thường thu hái những trái đã già rồi về làm cho chúng chín đồng loạt.

Chính vì thế, bắt buộc người sản xuất phải chủ động làm trái cây chín. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người ta dùng chất gì để làm chín trái cây mới là điều quan trọng. Có nhiều chất dùng để làm chín trái cây không gây độc hại nhưng cũng có nhiều chất lại rất độc hại.

Hiện nay, một chất thường được dùng để làm chín trái cây mà không gây hại đó là chất Ethylen. Chất này có tác dụng kích thích trái cây chín mà không độc hại.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người sản xuất, buôn bán lại chưa chọn đúng chất dùng để làm chín hoa quả. Như đã nói, cũng có rất nhiều loại hóa chất làm chín hoa quả độc hại, hơn thế nếu dùng với liều lượng cao thì lại càng độc hại và ảnh hướng xấu đến sức khỏe. Do đó, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người sản xuất về cách chọn loại chất làm chín trái cây an toàn cũng như quy trình giấm ra sao để không gây hại cho người tiêu dùng".

Theo Minh Dương (Phunuonline)