Chuyên gia giao thông: Cả 2 cách gọi "thu phí" và "thu giá" đều không ổn!

 Vừa qua, cụm từ “thu giá” được các chuyên gia kinh tế, ngôn ngữ học quan tâm phản biện, vậy vấn đề này dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông ra sao?

Chuyên gia giao thông: Cả 2 cách gọi

Chủ tịch HHVT ô tô Việt Nam đề nghị gọi đúng tên cho trạm BOT và phải công khai minh bạch về tài chính.

Sáng 24/5, trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, về ngữ nghĩa cụm từ “thu giá” đã được các nhà ngôn ngữ học phân tích.

Nếu dùng thu phí trạm BOT thì cũng không đúng vì đã thu phí thì tiền phải về “kho” ngân sách. Đây là một phần tiền đầu tư của doanh nghiệp nên thu tiền để hoàn vốn cho doanh nghiệp.

Gọi là “thu giá” cũng không ổn, phải gọi tên đúng bản chất là “Trạm thu tiền sử dụng đường bộ”.

“Việc phí, giá đã bàn nhiều rồi, cái cần quan tâm nhất là công khai minh bạch các thông tin về tổng mức đầu tư, mức thu và thời gian thu thì chưa thấy làm. Cái này sắp tới chúng tôi sẽ theo sát và bắt buộc các nhà đầu tư phải công khai” – ông Thanh nói.

ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình, cho biết tại kỳ họp lần này sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải về việc "cơ sở nào Bộ chuyển từ thu phí BOT sang thu giá?", "Việc chuyển đổi đó có đảm bảo lợi ích các bên hay không, hay phục vụ lợi ích của ai?".

Trước đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Những con đường BOT hiện tại được nói đến nhiều đều là những dự án quốc gia. Với các dự án quốc gia như vậy thì đều có vai trò của Nhà nước…

Việc tính toán suất đầu tư, duyệt phương thức thu phí phải liên quan Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Ví như dự án BOT Cai Lậy, rõ ràng đó là một con đường quốc gia. Bộ GTVT được giao thực hiện nhưng bộ trưởng giải thích lại hiểu là BOT tư nhân, do doanh nghiệp quyết định về giá, đó là một chuyện khó hiểu”.

Còn đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội nhận xét, cách gọi "trạm thu giá" là tối nghĩa, không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt cũng như chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý. Vì vậy, dư luận đã phản ứng về cách đổi tên như trên. "Đã là cơ quan quản lý nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu", ông Vân nói.

Phân tích vấn đề, ông Vân cho rằng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp giao thông cơ bản cho nhân dân, chỉ những nơi doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, giúp người dân có sự lựa chọn tốt hơn đường Nhà nước đã cung cấp thì doanh nghiệp mới được thu tiền. Bản chất BOT là một bên đầu tư và bên kia hưởng dịch vụ.

"Như vậy việc người dân trả tiền để đi trên đường BOT có thể gọi là phí hoặc tên gọi nào đó phù hợp, không nên dùng một từ tối nghĩa", ông Vân nói.

Theo GiaDinh