Cốc dạ quang phát sáng được săn lùng: Lãng mạn có gây độc?



Trên nhiều trang mạng hiện đang rao bán một loại cốc nước có thể phát ra ánh sáng huyền ảo. Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn độ an toàn của loại cốc này.

Quảng cáo về công dụng tuyệt vời của chiếc cốc (ly) nước phát sáng này, một trang mạng chuyên bán đồ quà tặng đưa thông tin: “Đây là một chiếc cốc uống nước độc đáo bất ngờ.

Với cảm biến, khi bạn đổ nước vào, chiếc cốc sẽ tự phát sáng, những ánh sáng nhịp nhàng đổi màu tạo cảm giác huyền ảo khi bạn sử dụng chiếc cốc. Chiếc cốc kỳ diệu sẽ thay đổi màu sắc và biến đổi hình ảnh khi bạn đổ nước nóng. Người nhận quà sẽ thật bất ngờ với những thông điệp trên chiếc cốc.

Bạn chỉ cần đổ nước vào chiếc ly này, lập tức chiếc ly này sẽ cảm ứng với nước và phát sáng, ly sẽ sáng mãi và đổi 7 màu cho đến không còn nước trong ly, làm cho không gian của bạn trở nên lung linh hơn, lãng mạn hơn trong màn đêm.

Đặc biệt, chiếc cốc đổi màu dạ quang sẽ có màu sắc cực đẹp khi bạn dùng để uống rượu vang hoặc rượu Tây.

Những bóng LED siêu tiết kiệm điện được đặt dưới đáy cốc trong suốt sẽ làm cho cả chiếc cốc và khối nước bên trong bừng sáng lung linh trong một hiệu ứng ánh sáng 3D cực kỳ dịu mắt và bắt mắt, một món đồ trang trí quầy bar, bàn nước cực kỳ sáng tạo.

Cốc phát sáng, cốc dạ quang đèn led được trang bị bóng led siêu tiết kiệm điện đặt dưới đáy cốc trong suốt sẽ làm cho cả chiếc cốc và khối nước bên trong bừng sáng lung linh trong một hiệu ứng ánh sáng 3D cực kỳ bắt mắt”.

   Cốc dạ quang phát sáng được săn lùng: Lãng mạn có gây độc?

Cốc nước phát sáng được rao bán khá nhiều trên các trang mạng.

Có nhiều loại ly nước phát sáng được quảng cáo với nhiều mức giá cả khác nhau, tuy nhiên, giá giao động từ 60 – 80 nghìn đồng/1 chiếc. Tùy vào việc khách mua buôn hay mua lẻ, tùy thời điểm ưu đãi khuyến mại mà chiếc cốc được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.

Đặc biệt, để nhấn mạnh cho sản phẩm của mình, nhiều chủ hàng hướng dẫn khách phân biệt một số loại trên thị trường phải bật tắt đèn thủ công bằng tay, còn một số loại tự động hoàn toàn khi rót nước vào và đổ nước ra sẽ tiết kiệm thời gian và sành điệu hơn.

Không chỉ như vậy, trên các trang mạng còn có clip hướng dẫn chế ra các loại ly nước phát sáng này với hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, loại cốc này thường có dung tích 250ml, kích cỡ 80x90cm. Giới trẻ phát cuồng với sự lạ của chiếc ly này nên thường tìm mua để tặng quà cho nhau và sử dụng với mục đích thể hiện đẳng cấp.

Nhiều cốc được quảng cáo có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng cũng có những chiếc cốc không hề có nhãn mác vẫn được chào bán và săn lùng.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện loại mũ len gắn tai nghe đã được các chuyên gia khẳng định có khả năng gây ù tai, nhức óc cho trẻ em từ những âm thanh lạ. Đây cũng là lý do khiến dư luận hoang mang với những chiếc cốc thủy tinh phát sáng.

   Cốc dạ quang phát sáng được săn lùng: Lãng mạn có gây độc?

TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng, ánh sáng led làm vui mắt người dùng.

Ông Nguyễn Văn Việt (Mễ Trì, Hà Nội) băn khoăn: “Thấy con trai tôi cũng mê mẩn với mấy cái cốc phát sáng và khoe với mọi người, tôi lại lo. Không biết thứ ánh sáng huyền ảo đó có gây hại gì cho sức khỏe không. Biết đâu, nó gây ung thư hoặc ảnh hưởng đến da, cơ thể về sau thì sao. Tôi thấy rất lo lắng”.

Đã từng có những nghiên cứu chỉ ra rằng, đèn LED có thể khiến cho mắt người bình thường bị tổn hại nếu tiếp xúc quá nhiều trong thời gian dài. Do đó, lo lắng của người dân về việc dùng đèn LED “phù phép” cho cốc thủy tinh là có cơ sở.

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải – người được mệnh danh là “ông già Ô zôn”. Vị tiến sỹ này cho biết: “Nếu nói ánh sáng LED độc hại thì bao nhiêu đèn trang trí trên đường phố, quảng cáo tràn lan khắp nơi đều phải dỡ bỏ hết.

Dư luận không nên quá hoang mang vào những luồng thông tin thiếu căn cứ khoa học rồi tự gây ra những sự sợ hãi hoang mang không đáng có.

Cốc phát sáng hay kể cả là những chiếc mũ có nhạc du dương thì cũng là một sự sáng tạo của con người. Hại hay không là do cách sử dụng của con người chứ không thể gắn những cái mác độc hại lên những thứ vô tri vô giác một cách tùy tiện như vậy được. Vấn đề ở đây không phải là ảnh hưởng đến sức khỏe mà nó làm vui mắt người sử dụng”.

Theo Tử Băng (NĐT)