Cuối năm là cơ hội để hàng giả, hàng nhái tung ra thị trường

Thời gian gần đây, nhiều lô hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phát hiện. Nhiều đơn vị cho biết chưa bao giờ người tiêu dùng Việt bị xâm hại đến như thế này.

Người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm trọng

Tại Hội thảo giải pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam mới đây, vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nhắc tới nhiều lần.

Nhiều ví dụ được các Chi cục Quản lý thị trường trung ương, địa phương đưa ra cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm hại nghiêm trọng. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng gia tăng, nhiều vụ việc vi phạm với quy mô ảnh hưởng rộng, nghiêm trọng, hình thức, tính chất phức tạp, tinh vi, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành lớn như: Gian lận về trọng lượng, khối lượng; gian lận về ghi nhãn, xuất xứ, thời hạn; hàng giả, hàng nhái… Vi phạm liên quan đến hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, số vụ việc thu hồi sản phẩm lỗi mặc dù ngành chức năng không nhận được nhiều phản ảnh của người tiêu dùng nhưng thực tế đang diễn biến phức tạp, liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân. 

cuoi-nam-la-co-hoi-de-hang-gia-hang-nhai-tung-ra-thi-truong
Cần tăng cường kiểm soát để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tuy nhiên, các hội bảo vệ quyền lợi NTD trên toàn quốc mới giải quyết được khoảng 4.000 vụ khiếu nại với tỷ lệ thành công từ 80-82%. Còn Bộ Công thương cũng chỉ giải quyết được 1.700 trường hợp trong năm 2015.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do một phần NTD chưa biết hoặc chưa sử dụng tốt 8 quyền đã được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nên không biết đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Trần Phong, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh chỉ ra, thực tế, “NTD chỉ phản ánh những vi phạm lớn còn vi phạm “cân đường, hộp sữa” thường bỏ qua vì e ngại”.

Thêm vào đó, nhiều vụ khiếu nại không giải quyết được vì NTD “đòi hỏi quá đáng”. Còn DN cũng chưa nhận thức được “khách hàng là thượng đế” nên lần khần, trì hoãn trong việc giải quyết khiếu nại, phản ánh của NTD.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, kiêm Chủ tịch hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Nam Định cho rằng, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề bức xúc toàn dân.

Ông Đỗ Đức Dương cho biết thêm, theo qui định, khi mua hàng hóa có giá trị từ 200 ngàn đồng trở lên phải có hóa đơn, chứng từ. Nhưng không phải cơ sở kinh doanh nào cũng thực hiện, còn NTD cũng “quên” luôn, dẫn đến khi mua phải hàng dởm, hàng nhái, kém chất lượng… rất khó chứng minh.

Vì vậy, để bảo vệ hiệu quả quyền lợi người tiêu dùng, bà Phạm Quế Anh, chuyên gia Tổ chức GIZ cho rằng, cần xây dựng cơ chế cho phép NTD thông báo cho cơ quan bảo vệ NTD về hàng hóa dịch vụ nguy hiểm họ gặp phải và theo dõi thông tin giải quyết khiếu nại, tranh chấp của họ.

Đồng thời, theo bà Phạm Quế Anh, cũng cần thiết lập các qui trình, thủ tục giải quyết tranh chấp dễ sử dụng, dễ tiếp cận, nhất là tập trung giải quyết nhu cầu của những NTD đặc biệt dễ bị thương tổn.

Người tiêu dùng biết giả vẫn mua 

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, cuối năm, đặc biệt thời điểm Tết nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao là dịp, thời cơ để những hành vi gian lận thương mại nói chung, trong đó có việc sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm tung ra thị trường.

Vấn đề này, năm nào Hiệp hội cũng lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ. Bởi các đơn vị này thường tập kết và chuẩn bị hàng từ rất sớm. Thậm chí, có đơn vị hiện giờ đã có thể ém hàng sẵn. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra ngay từ mấy tháng trước chứ không phải chỉ tháng giáp Tết. 

"Đơn cử một mặt hàng nhỏ như trò chơi trẻ em, chúng tôi đã nói rất nhiều. Hôm qua, Hiệp hội đã nhận được thông tin từ một cơ quan báo chí, phản ánh một người dân ở Nam Định mua một chiếc mũ trẻ em, bên trong có thiết bị pin mà trẻ em đội gây một âm thanh phát ra ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Song, mặc dù đã cảnh báo, điều tra... nhưng những sản phẩm này liên tục xuất hiện ở những dạng mới, rất khó phát hiện kịp thời", ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, việc hàng giả xuất hiện tràn lan thường có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do người dân không biết nên không khiếu nại. Thứ hai là họ có biết nhưng vẫn chủ động mua.

"Tôi từng tiếp cận với các cháu sinh viên. Khi hỏi các cháu có biết chiếc áo đang mặc là nhãn mác giả... thì phần lớn các cháu đều biết nhưng vẫn mua, sử dụng vì nó rẻ. Do đó, hiện Hiệp hội nhận được khá ít khiếu nại và hầu như chỉ là hàng kém chất lượng", ông cho hay.

Đưa ra những giải pháp thiết thực, ông Hùng cho rằng, ngoài nhiệm vụ của cơ quan chức năng giám sát chất lượng, an toàn, chống hàng giả, hàng nhái thì chính người tiêu dùng nên chủ động nắm bắt thông tin và thận trọng khi mua hàng.

Trường hợp khi mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng nên chủ động phản ánh với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện xử lý. 

Theo PV (NTD)