Để ký sinh trùng không 'ăn não', bạn nên từ bỏ thói quen này



Cơ thể sốt liên tục từ 38-39 độ C, nôn, kèm theo các biểu hiện co giật. Đó có thể là dấu hiệu điển hình của bệnh do ký sinh trùng "chu du" lên não vô cùng nguy hiểm.

Nhiều người có thói quen ăn rau sống, các món gỏi, món đồ tái có lẽ nên cân nhắc vì đây là nguy cơ "dẫn dụ" nhiều loài ký sinh trùng nguy hiểm vào cơ thể con người.

Nhẹ nhất là các loại này có thể ký sinh ngay dưới da của người nhiễm gây khó chịu, ngứa ngáy. Đặc biệt, nhiều loại có thể xâm nhập vào máu và "chu du" lên não gây bệnh viêm màng não.

Để ký sinh trùng không 'ăn não', bạn nên từ bỏ thói quen này

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyến cáo không nên ăn rau sống, đồ tái để tránh bệnh viêm màng não do ký sinh trùng. Ảnh: Đỗ Thơm

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) chia sẻ, trong quá trình khám, chữa bệnh, ông từng gặp ca viêm mãng não do giun lươn ở đứa trẻ mới 13 tháng tuổi.

Một trường hợp cực hiếm gặp vì ở lứa tuổi đó trẻ chưa ăn thức ăn tái chín, không ăn rau sống mà lại mắc bệnh viêm màng não do giun lươn.

Bác sĩ Thường cho rằng, có thể do cháu đi chân đất, nghịch đất nghịch cát khiến ký sinh trùng này đi vào cơ thể.

Về cơ chế của bệnh viêm màng não do ký sinh trùng, bác sĩ Thường phân tích: "Nguyên nhân chính của bệnh là do ký sinh trùng tên là giun lươn xâm nhập vào màng não.

Giun lươn khi xâm nhập vào cơ thể “chu du” trong máu, các tổ chức khác của cơ thể, vì nó có thể vào máu nên hoàn toàn có thể lên não gây viêm màng não.

Thể viêm màng não này được gọi là thể viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời thì biến chứng của bệnh nguy hiểm chung như bất kỳ bệnh viêm màng não nào. Bệnh nhân có thể bị liệt các dây thần kinh sọ não, nặng có trường hợp tử vong".

Theo các chuyên gia y tế, nghi ngờ viêm màng não do giun lươn là khi khám trên lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện thần kinh đi kèm với tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi.

Chọc dịch não tủy là điều nên làm sớm để chẩn đoán xác định. Việc điều trị nên bắt đầu sớm để hạn chế biến chứng và di chứng về sau. Bệnh nhân cần được theo dõi sát trong quá trình điều trị nội trú cũng như sau khi ra viện.

Thông thường, bệnh lây từ ốc sên có nhiễm ấu trùng hoặc do ăn rau sống có nhiễu ấu trùng, ốc, ếch, cua nhiễm giun lươn mà không được nấu chín.

Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, đối với người lớn phải ăn chín, đặc biệt là các loại ốc, cua phải ăn chín không nên ăn tái.

Rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước chảy là những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm màng não do ký sinh trùng. Đối với trẻ em, cha mẹ không nên cho các em đi chân đất để tránh nguy cơ ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.

Theo nguoiduatin