Dịch vụ đụng lợn thu hút dân thủ đô

Tùy theo cân nặng và lượng người mua, những chú lợn "đặc sệt" vùng cao sẽ được chuyển về mổ đụng (chia thành các phần nhỏ đều nhau theo suất) tại Hà Nội. Lợn sạch, dịch vụ tiện dụng, gợi không khí quê của ngày Tết... đang hấp dẫn nhiều người dân tại Hà Nội.

Lên rừng tìm lợn sạch

Anh Phạm Đức Trường (40 tuổi) quê ở Tuyên Quang, làm nghề lái xe tải, thường xuyên chạy tuyến Hà Giang – Hà Nội. Tiện đường, nhiều lần anh chở hộ bạn bè vài chú lợn từ vùng cao về thủ đô.

Là người nhạy bén, thấy nhu cầu lợn núi ở thủ đô không phải nhỏ, anh nghĩ tại sao mình không đưa lợn vùng cao về thị trường thủ đô. Nghĩ là làm, anh giao xe cho vợ quản, một mình lặn lội lên vùng núi Xín Mần (Hà Giang) tìm mua lợn.

Dịch vụ đụng lợn thu hút dân thủ đô

Anh Trường  lên tận Xín Mần  tìm những đàn lợn vùng cao để phục vụ dân thủ đô. Ảnh Gia Tưởng

Anh Trường kể, đồng bào trên này vẫn quen lối sống cũ họ nuôi lợn từ năm này qua năm khác, nhưng chỉ để thịt và ăn trong gia đình, chứ chưa có thói quen bán làm hàng hóa. Vì vậy, muốn mua được lợn của họ phải khéo và quen. Có khi đi mua lợn phải mang cả kẹo để cho trẻ con trong bản, thì bố mẹ các cháu mới ưng cái bụng mà bán lợn cho mình.

Nhưng đi mua lợn thì nhiều khi cũng gặp trường hợp thương lắm  có lần một bác nông dân người đồng bào Mông, đi xe máy 40km chở theo con lợn hơn 20kg đến nói “Tết rồi mua hộ tao đi, bí tiền mới bán đấy, nếu không bán được con lợn này, thì nuôi lớn cũng để thịt thôi, mà ăn là hết mà, nhà tao nghèo vẫn hoàn nghèo”. Thấy vậy, Trường đành mua cho bác con lợn giá cao hơn người khác.

Cũng theo anh Trường, để chọn được những con lợn ở vùng cao ngon ưng ý khách hàng thủ đô không phải là dễ. Lợn thì tuyệt đối thả rông leo đồi không ăn thức ăn công nghiệp, có độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, chân bé, tai bé, bụng thon lông rậm, mõm dài.

Đặc biệt là phải có một lớp da cáy. Có như vậy mới già lợn và ngon được. Khi thịt ra mỡ thì trắng, thịt thì đỏ mà bộ lòng thì ngon tuyệt cú mèo, luộc cách xa 50m vẫn còn thấy mùi thơm.

Chinh phục phục dần người ăn

Để đưa được lợn sạch từ núi về Hà Nội, theo anh trường, là cả một quá trình không dễ. Mua được lợn rồi, mang xuống Hà Nội, nhốt ở đâu, thịt ở đâu cũng là một vấn đề. Nhưng anh Trường vẫn lọ mọ tìm được, địa chỉ tại 22 Phạm Hùng để làm nơi tập kết và thịt lợn trả hàng cho khách.

Dịch vụ đụng lợn thu hút dân thủ đô

Lợn được bà con vùng cao thả rông thịt thơm ngon, nhưng tỉ lệ mỡ cao. Ảnh Gia Tưởng

Anh Trường cho biết: “Quan điểm của mình là thịt lợn sạch, nhất là khâu giết mổ, phải trả hàng cho khách là thịt tươi, mình bán theo suất/1 triệu. Mỗi con lợn tùy theo cân nặng mà mình phân ra suất, cứ đủ khách đặt thì mình mới mổ lợn. Rồi pha thịt, làm cả lòng, khách chỉ việc ăn. Một  suất thịt bao gồm đủ hết, thịt mông, vai ba chỉ xương và lòng”.

Là người lần thứ 2 mua thịt theo kiểu đụng lợn như thế này, ông Trần Duy Bình (63 tuổi) ở khu tập thể Vĩnh Phúc (Hà Nội)  nói: “Con dâu tôi mua thịt lợn đụng vùng cao về tôi rất thích. Phải hơn 30 năm rồi,  tôi mới được ăn miếng thịt đung nghĩa là thịt lợn thật vừa thơm lại vừa ngon”.  

Chị Nguyễn Thanh Hương, hiện công tác tại Bộ VHTT cho biết, cách mua thịt thông qua dịch vụ đụng lợn này cũng rất tiện, chỉ việc đặt qua mạng, rồi có người đưa thịt tươi đến tận nơi mình yêu cầu. Tuy so với giá thịt của thị trường thì hơi cao nhưng so với mức chi tiêu của mỗi gia đình bậc trung thì cũng bình thường. Thịt thì qua ăn thấy thơm ngon, bì lợn giòn, đã kiểm nghiệm chắc chắn là sạch rồi nên cũng yên tâm sử dụng dịch vụ này.

Tuy mới đưa dịch vụ đụng lợn ăn chung xuống bán ở Hà Nội nhưng hiện nay mỗi tuần anh Trường cũng đã bán được từ 2 đến 3 con lợn, khoảng 18 phần, ngoài ra anh còn cung cấp cả lợn cắp nách, theo yêu cầu của khách.

Với phương châm làm chậm nhưng chắc, bước đầu chưa cần lấy lãi  mà chỉ cần làm cho người dân thủ đô quen với cách tiêu thụ lợn sạch, để đảm bảo sức khỏe cho bà con, mà lại giúp đỡ tiêu thụ lợn cho đồng bào vùng bà con đã biết chăn nuôi thành hàng hóa. Đỡ phải nuôi tới đâu thịt tới đó nghèo vẫn hoàn nghèo.

Theo Danviet