Đựng đồ ăn bằng túi nilon: Người tiêu dùng đang đầu độc chính mình

Những chất phẩm màu độc hại dùng nhuộm túi nilon không tan trong nước, tuy nhiên khi gặp dầu mỡ phẩm màu này sẽ khuếch tán ra bên ngoài và bám vào thực phẩm.

Túi nilon màu tiềm tàng những nguy hiểm gì?

Mới đây, VTV1 đưa tin một trường hợp tại TP Hồ Chí Minh khi mua thịt heo đựng trong túi nilon đã xảy ra tình trạng thịt heo rỉ nước màu hồng. Số thịt heo này khi luộc lên nước vẫn trong, không có mùi lạ, tuy nhiên sau khi để tủ lạnh 1 đêm, số thịt heo này đã rỉ nước màu hồng. Đáng chú ý là sau khi kiểm tra, số thịt heo trên hoàn toàn bình thường không có bất kỳ hóa chất lạ hay chất tạo nạc phụ gia nào.

Theo bà Trần Thị Ngọc Lan, giảng viên tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, rất có khả năng nước màu hồng này là từ túi nilon màu đựng thịt heo mà ra. Những chiếc túi nilon tái sinh nhuộm màu phụ gia khi tiếp xúc với dầu mỡ thì sẽ bị khuếch tán ra bên ngoài và phẩm màu sẽ ngấm vào lớp da hoặc lớp mỡ, hơn hết là những chất màu phụ gia này cực kỳ độc hại.

 dung-do-an-bang-tui-nilon-nguoi-tieu-dung-dang-tu-dau-doc

Bà Trần Thị Ngọc Lan - giảng viên tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM

Ông Trần Văn Ký- hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: "Những chất độc hại nằm sẵn ở trên bề mặt các bao bì này, và nó sẽ nhiễm vào trong thực phẩm mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được, thì những chất này gây độc hại chẳng kém gì những chất gây ung thư, hay gây độc thần kinh ở trong các bao bì đó".

Chính vì lẽ đó, qua việc sử dụng vô tội vạ những chiếc túi nilon như thế này, người tiêu dùng có thể đang tự đầu độc chính mình hàng ngày. 

 dung-do-an-bang-tui-nilon-nguoi-tieu-dung-dang-tu-dau-doc

Ngoài tác hại nghiêm trọng về môi trường, những chiếc túi nilon này ẩn chứa những phẩm màu độc hại

Theo một khảo sát của cơ quan môi trường, trung bình một người Việt Nam trong 1 năm sử dụng ít nhất 30 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Từ 2005 đến nay, con số này là 35 kg/người/năm. Ngoài vấn đề nghiêm trọng về môi trường, những chiếc túi nilon này ẩn chứa những chất độc tiềm ẩn mà lâu nay chúng ta không biết.

Vậy phân biệt các loại túi nilon theo chất liệu sản xuất như thế nào?

Theo vật liệu cấu tạo mà có thể chia làm nhiều loại túi, nhưng chúng ta thường gặp các loại sau:

Túi HDPE ( High Density Polyethylene) hay túi xốp :

Túi HDPE hay túi nilon giá rẻ có độ trong, độ bóng bề mặt ở mức độ trung bình. Độ mềm dẻo kém, có độ cứng nhất định, đễ gập nếp, tạo ra tiếng động xột xoạt rõ ràng khi cọ xát ( nên thường gọi là túi xốp ). Túi xốp HDPE thường gặp là túi đựng rác, túi nilon đựng hàng chợ, túi siêu thị và cửa hàng nhỏ.

Túi LDPE (Low Density Polyethylene):

Túi nhựa làm màng PE hay túi PE có độ trong, bề mặt mịn, bóng hơn so với túi HD. Nhờ độ dẻo dai, mịn màng hơn, nên giá thành sản xuất túi cao hơn so với túi HD, nhưng chất lượng túi nilon sẽ cao cấp hơn. Túi PE thường gặp là các loại túi PE khổ lớn, dùng để đựng hàng hoá có trọng lượng tương đối, các bạn còn gặp túi PE in quảng cáo sản phẩm, túi in logo, thương thiệu cho các doanh nghiệp - cửa hàng nước hoa mỹ phẩm.

Túi PP ( Polypropylen):

Túi làm từ nhựa PP có độ bền cơ học cao hơn, khá cứng, nên không mềm dẻo, khó bị kéo giãn dọc như nhựa HD hay PE. Đặc biệt, túi PP có độ mịn, bóng bề mặt cao, sức bền cơ lý tốt hơn.Ngoài ra, vật liệu PP có khả năng chống thấm khí, thấm nước, nên thường dùng làm túi đựng thực phẩm, bảo quản hàng hoá, hoặc màng chít pallet bọc hàng hoá - thực phẩm.

Túi OPP

Túi OPP là loại túi ép, cấu tạo từ 2 lớp màng polypropylene , có độ co giãn cơ lý tốt, độ nét cao, chống ẩm tuyệt vời. Vì vậy túi OPP là loại túi cao cấp, độ bề, chống ẩm tốt, dùng để đựng hàng hoá đặc biệt, hoặc in túi nilon cho quảng cáo marketing. Thích hợp đóng gói các thực phẩm: bánh kẹo, trái cây khô, các loại gia vị, thảo dược, các loại hạt, hay vật tư y tế...

Trong các loại túi trên thì túi PP được cho là tốt trong việc bảo quản và đựng thực phẩm. 

Theo Ngọc Mạnh (giadinhvietnam)