Dùng mỹ phẩm tự chế, rước hệ lụy khôn lường

Ngoài mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả, giờ đây nhiều chị em phụ nữ đứng trước một nguy cơ tổn hại sức khoẻ đến từ các loại sản phẩm làm đẹp “handmade” – tự chế biến.

Mỹ phẩm handmade vẫn chứa hoá chất, không được kiểm chứng rõ ràng 

Chỉ cần truy cập vào trang mạng tìm kiếm google.com trong ít phút, sẽ dễ dàng bắt gặp các đường link chỉ dẫn vào các trang mạng có giao diện, hình ảnh bắt mắt, đính kèm là những lời quảng cáo như đúng rồi về các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp cho các chị em phụ nữ được cho là chế xuất từ thảo dược thiên nhiên.

Phổ biến nhất hiện nay trong dòng mỹ phẩm handmade là các loại son, từ son dưỡng đến son màu. Thực chất, cách làm son dưỡng tại nhà trước đây đã được chia sẻ rất rộng rãi trên mạng để chị em tự làm và sử dụng với nguyên liệu đơn giản. Tuy nhiên, công thức là một chuyện, còn để làm ra sản phẩm một cách hoàn chỉnh thì không dễ dàng.

Dùng mỹ phẩm tự chế, rước hệ lụy khôn lường

Son tự chế là sản phẩm được bày bán tràn lan trên mạng xã hội.

Nhằm hút khách tìm đến cơ sở chuyên cung cấp mỹ phẩm làm đẹp tự chế có nguồn gốc từ… thảo dưỡng thiên nhiên của mình, một số chủ cơ sở còn lập cho mình trang web chuyên quảng cáo, hướng dẫn cách sử dụng, điều trị các bệnh liên quan đến da, tóc.

Tất nhiên, xuất hiện kèm với các sản phẩm là những hình ảnh minh họa về những cô gái xinh đẹp, như để chứng minh: “nhờ có mỹ phẩm mà cô A, chị B mới trở nên đẹp như vậy!”.

Trên trang mạng www.lamdepcunxxx, chủ cơ sở này đã đăng tải hàng loạt nội dung quảng cáo liên quan đến các sản phẩm mỹ phẩm được cho là “độc quyền” của mình như: “Kem trắng da thiên nhiên”, “Dầu dừa thật, nguyên chất, không chất bảo quản”, “Kem phục hồi da kiêm dưỡng trắng”, “Son dưỡng thiên thiên”...

Tuy nhiên, tất cả những thông số trên chỉ được cung cấp một chiều từ phía người bán, còn thành phần cấu tạo thực sự của mỗi sản phẩm mỹ phẩm handmade như thế thì không một ai dám chắc chắn.

Bởi, do là sản phẩm tự chế biến nên cả người bán và người mua đều mặc định không cần đăng kí độc quyền cũng như các chứng nhận về an toàn khác.

“Méo mặt” vì mỹ phẩm tự chế

Có mặt tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, chị Nguyễn Thị Thuý Lan (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, chị bị mụn rộp nổi khắp mặt suốt 1 tháng nay, đi các thẩm mỹ viện, dùng các loại thuốc bôi mặt mà không khỏi.

Tại Bệnh viện Da diễu, bác sĩ cho biết chị bị dị ứng với hoá chất trên da. Nguyên nhân là trước đó, chị Lan có mua xịt khoáng tinh dầu do một shop mỹ phẩm bán qua mạng.

Shop này quảng cáo dòng xịt khoáng này được làm từ nước suối khoáng tinh khiết, kết hợp tinh dầu vỏ bưởi có tác dụng sát khuẩn da nên chị mua về sử dụng, được 2 tuần thì da bắt đầu ngứa và nổi mẩn, ngày càng nhiều. Chị có liên hệ với shop mỹ phẩm nói trên nhưng shop này phủ nhận trách nhiệm.

Tương tự, trước Tết Nguyên đán, một khách hàng sử dụng son handmade đã đăng trên mạng xã hội một bức ảnh khiến nhiều người phải giật mình: mới sử dụng son nhưng nổi chi chít những mảng nấm trắng. Nhiều người đoán, có thể là do nhiệt độ cao khiến sáp lỏng chảy hoặc dòng son này thường có hạn sử dụng rất ngắn, dễ bị hỏng.

Tuy chưa có một con số thống kê cụ thể, song khi ghi nhận ở một số bệnh viện như: Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Trung ương…, mỗi ngày có hàng trăm lượt bệnh nhân đến thăm khám các chứng bệnh liên quan đến da liễu, trong đó có không ít trường hợp bị biến chứng do sử dụng mỹ phẩm mập mờ nguồn gốc xuất xứ.

Phương Ngân

Theo suckhoe 365