GS Trần Xuân Nhĩ: Bộ Giáo dục và Đào tạo lúng túng vì thiếu chuẩn

Kết thúc môt năm đầy biến động với nhiều quyết sách quan trọng, ngành Giáo dục tiếp tục rơi vào thế 'bị động' trước những áp lực của xã hội về việc cấp phép mở trung tâm Ngoại ngữ, Tin học một cách tràn lan. Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng Bộ Giáo dục đang rất lúng túng.

Việc mua, bán chứng chỉ tin học không còn là điều mới mẻ, tuy nhiên trong những năm gần đây việc bán chứng chỉ tin học ngày càng công khai, lộ liễu như một sự thách thức pháp luật. Theo GS nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó?

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu được đem ra buôn bán và trao đổi thì được coi là một loại hàng hóa và là hàng cấm, có cung thì có cầu và ngược lại. Điều này cũng xuất phát từ việc các cơ quan nhà nước cũng như một số các đơn vị tư nhân quá coi trọng bằng cấp. Đưa ra các yêu cầu về ngoại ngữ, tin học,... trong khi thực tế công việc không cần đến. Tại các trường Đại học, Cao đẳng không phải chuyên ngữ thì việc đào tạo ngoại ngữ không được chú trọng cả về phương diện nhà trường lẫn sinh viên.

Về mặt thách thức pháp luật thì theo tôi do công tác thanh tra của chúng ta còn quá non kém, buông lỏng quản lý. Mặt khác, khi phát hiện các sai phạm chúng ta xử lý chưa thực sự nghiêm khắc, chưa có tính răn đe cao. Chứng chỉ ngoại ngữ có thể mua như mua rau ngoài chợ.

Ông có cho rằng, ngoài việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa nghiêm thì một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng rao bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là do việc cấp phép mở trung tâm quá dễ dàng?

Việc cấp phép mở Trung tâm ngoại ngữ hiện nay được giao cho các Sở Giáo dục & Đào tạo, các điều kiện cần và đủ để mở trung trâm cúng không có khó khăn gì, thậm chí là rất đơn giản. Dẫn đến tình trạng các trung tâm được cấp phép một cách tràn lan, khó quản lý. 

Công tác thanh tra, giám sát các trung tâm này về mặt cơ sở vật chất, tình trạng hoạt động không được thường xuyên xẩy ra việc chất lượng đào tạo ngoại ngữ của các trung tâm này cực thấp, các mức phí được thu khác nhau, mỗi nơi một kiểu, các chương trình, giáo án đăng ký ban đầu không được áp dụng thực tế trong quá trình giảng dạy.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra được các chuẩn cần thiết, khắt khe hơn để trước khi cấp phép thì có thể giải quyết được một phần nào đó, mà theo tôi là cải thiện đáng kể tình trạng cấp phép mở trung tâm tràn lan, tránh được sự lúng túng trong công tác quản lý vì thiếu chuẩn.

Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Hiện nay có 2 sự phân cực rất rõ rệt về việc thu học phí, hoặc là thu rất cao đến 40 triệu đồng trên một khóa học, cũng có nơi chỉ vai trăm ngàn. Có ý kiến cho rằng, học phí cao thì chất lượng tốt, học phí thấp thì tạp nham. Vậy phải chăng ngoại ngữ là cuộc chơi dành cho con nhà giàu? Có cách nào để học viên có thể tìm được một trung tâm chất lượng nhưng giá cả phải chăng?

"Tiền nào của nấy" vẫn là cách ví von của cha ông ta từ xưa, chi phí bỏ ra cho việc thuê giáo viên giỏi, thuê giáo viên bản ngữ, đầu tư trang thiết bị khang trang, hiện đại thì đương nhiên học phí sẽ phải cao hơn so với các trung tâm chưa có sự đầu tư đúng mức cả về nhân lực lẫn vật lực. Nói như thế không có nghĩa là chỉ các trung tâm có học phí cao thì mới tốt, nếu hiểu theo cách đó các trung tâm kém chất lượng cứ nâng giá cao lên sẽ được coi là có uy tín. 

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng để tìm một trung tâm tốt trước hết bạn phải là nhà tiêu dùng thông thái. Nên tham khảo qua ý kiến của bạn bè, những người đi trước. Khi qua trung tâm đăng ký thì xem đầu tư trang thiết bị, hỏi kỹ về giáo trình được học và việc có giáo viên bản ngữ dạy hay không, họ đứng lớp bao nhiêu giờ. Sau đó, tùy nhu cầu mà quyết định theo học hay không. Cá nhân tôi thấy, nhiều em học sinh không tới trung tâm ngoại ngữ vẫn học rất giỏi. Cho nên, việc mình học tốt hay không không phải do lỗi của các trung tâm thu phí thấp hay cao.

Đối với việc miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi PTTH năm 2015 là một bước tiến quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó quy định nếu có một trong các chứng chỉ có giá trị sử dụng tính đến ngày 09/6/2015 của các trung tâm được đưa ra thì sẽ được miễn. Nhưng không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về việc "như thế nào là đạt chuẩn" để các trung tâm ngoại ngữ khác đạt được.

Danh sách 6 Trung tâm ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả chứng chỉ có gia trị như kết quả thi tốt nghiệp PTTH

Đến nay tôi chưa thấy có một văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một trung tâm như thế nào thì đạt chuẩn để có thể cấp chứng chỉ và học sinh có thể miễn thi ngoại ngữ. Sự lựa chọn này trước hết dựa trên sự uy tín trong ngành, còn các tiêu chí khác tôi không được biết. Nếu các trung tâm ngoại ngữ đưa ra yêu cầu ''phải có một khung tiêu chuẩn'' thì tôi cho rằng bộ sẽ rơi vào thế bị động vì áp lực thiếu chuẩn.

Tôi đồng ý rằng, miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH là một sự cải cách, tuy nhiên có phải là bước tiến quan trọng hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Cảm ơn Giáo sư vì những chia sẻ rất hữu ích cho độc giả!

Theo Nguyễn Dũng (Một Thế Giới)