Hai đại gia Việt đứng sau tòa tháp cao nhất VN giàu cỡ nào?



Phía sau dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam Empire City là hai đại gia bất động sản sở hữu tổng tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng.

 

Phối cảnh dự án Empire City

Chiều 30/6, UBND TP HCM đã cấp trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Liên doanh Empire City thực hiện dự án khu phức hợp Tháp quan sát Empire City. Emprie City nằm trong trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, tương đương 26.000 tỷ đồng.

Empire City được thiết kế là khu phức hợp gồm trung tâm thương mại cao cấp, khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, căn hộ, bãi đậu xe ngầm... theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó có một toà nhà đa chức năng cao 86 tầng, là công trình điểm nhấn cao nhất Việt Nam vượt Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) và The Landmark 81 cao 81 tầng (thuộc khu đô thị cao cấp Vinhomes Central Park).

Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế vương là đơn vị phụ trách dự án. Đây là công ty liên doanh với tỷ lệ vốn góp 50 - 50 giữa Công ty BĐS Tiến Phước, công ty TNHH BĐS Trần Thái và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Anh).

Công ty Tiến Phước hoạt động từ năm 1992 do ông Nguyễn Thành Lập sáng lập. Hiện công ty này có vốn điều lệ khoảng 860 tỷ đồng. Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến Phước, ông Lập cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (một liên doanh giữa Tiến Phước –Keppel Land- Trần Thái).

Ông Nguyễn Thành Lập

Đại gia Lập là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực BĐS, đầu tư dự án lớn và đa dạng như khu biệt thự Greenfield Village, Tòa nhà Tiến Phước, The Estella (rộng 2,54 ha), dự án chung cư cao cấp 4,8ha được hợp tác phát triển cùng Keppel Land.

Đại gia thứ hai cũng là người có đóng góp số vốn lớn cho dự án Empire city là ông Trần Minh Chí – Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH BĐS Trần Thái.

Ông Trần Minh Chí.

Trần Thái hoạt động từ năm 2001 trong các lĩnh vực bất động sản, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, trồng cây cao su và chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng trang trí nội thất. Năm 2012, Công ty Trần Thái đã ra mắt Công ty TNHH MTV Phú Quốc Trần Thái, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực bất động sản, vị đại gia này còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đầu tư trồng 16.000ha cao su tại tỉnh Kampong Thom (Campuchia).

Ngoài ra, công ty Thành Thái đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vật liệu không nung và cấu kiện bê tông đúc sẵn (Gạch AAC, gạch Hollow core, bê tông bọt dày…) công suất 680.000m3/năm, tại Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai).

Bên cạnh hai chủ đầu tư là người Việt, dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam còn có sự tham gia góp vốn của Công ty Denver Power Ltd thuộc tập đoàn đa quốc gia Gaw Capital Partners.

Đây là quỹ đầu tư tư nhân lớn có trụ sở tại Hồng Kông, do 2 cổ đông Goodwin GAW và Kenneth GAW đồng sáng lập, là những người rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS ở Bắc Mỹ và một số nước châu Á trước khi lập ra Gaw Capital Partners.

Dự án đầu tư đáng chú ý nhất của quỹ đầu tư Hồng Kông tại Việt Nam chính là tòa tháp đa năng 86 tầng thuộc dự án Empire City tại Thủ Thiêm. Ban đầu dự án này do liên doanh Tiến Phước – Keppel Land làm chủ đầu tư, thuộc khu 2B diện tích 22,6ha trong đó tháp quan sát 86 tầng được xây trên diện tích 8,7ha. Dự án được UBND Tp.HCM chấp thuận đầu tư từ năm 2012.

Sau đó, không có thông tin nào khác về dự án này, nay UBND Tp.HCM chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì Keppel Land đã bất ngờ rút khỏi tổ hợp này và thay vào đó là Gaw Capital Partners sẽ góp 50% vốn trong tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1,2 tỷ USD.

Theo May A (Người Đưa Tin)