Hậu quả khôn lường khi giết thịt, mua bán rùa vàng giá trăm triệu/kg

Các thông tin “gây sốt” về việc mua bán rùa vàng với giá trên dưới 300-500 triệu đồng/kg đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bên cạnh thông tin được cho là may mắn đổi đời của người bắt được rùa vàng thì đối chiếu các quy định cho thấy, hành vi mua bán rùa vàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rùa ba vạch hay còn gọi là rùa vàng là động vật quý hiếm được bảo vệ và cấm xâm hại.

Những ngày gần đây, thông tin về người dân Thừa Thiên Huế kiếm được cả trăm triệu đồng sau khi đi soi ếch nhờ rùa vàng đang gây xôn xao.

Các thông tin về rùa vàng và chuyện bắt được “cục vàng” này nhanh chóng được lan rộng và gây “sốt”. Giá giao dịch các vụ liên quan đến rùa vàng đều giao động từ cả trăm đến ngót nghét cả tỷ đồng.

Đầu ra cho số hàng hóa siêu đắt này được cho là từ thị trường Trung Quốc và giới đại gia siêu giàu vốn là những người có thể chịu chi vài trăm triệu đồng cho một bữa “nhậu” rùa vàng.

Về thông tin liên quan đến thị trường Trung Quốc cho rằng, từ hàng chục năm về trước, người Trung Quốc săn, mua rùa vàng làm thuốc chữa bệnh vì cho rằng, rùa vàng là “thần dược” chữa được các bệnh như tim mạch, ung thư và đặc biệt là tăng cường sinh lực.

Cũng chính từ thông tin cho rằng, món ăn được chế biến từ rùa vàng có thể giúp tăng cường sinh lực cho nên không chỉ ở Trung Quốc mà các đại gia Việt cũng săn lùng “báu vật” này để sở hữu.

Tuy nhiên, theo các văn bản pháp quy về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cho thấy, các hành vi săn lùng, bắt giữ, buôn bán, giết thịt, chế biến rùa vàng là vi phạm pháp luật.

Thậm chí, đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong danh mục ban hành nghị định quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì rùa hộp ba vạch hay còn gọi là rùa vàngthuộc nhóm I.

Đây là nhóm được nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Theo nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, các hành vi gồm: Khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định;

Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định… là các hành vi bị cấm.

Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo Minh Anh (GĐXH)