Hiểm họa từ mỹ phẩm chứa Corticoid

“Ở đấy kem trộn bán đắt như tôm tươi, dùng một thời gian thì mặt đỏ như tôm luộc!”, chủ một cửa hàng mỹ phẩm đã “nhắc khéo” khi chúng tôi tới hỏi và xem rất nhiều mặt hàng nhưng không mua lại toan bước sang cửa hàng bên cạnh.

Hiểm họa từ mỹ phẩm chứa Corticoid

Bác sĩ Lê Đức Thọ, Chuyên khoa Da liễu

Thả nổi Corticoid

Tại TP.HCM, dạo quanh các cửa hàng mỹ phẩm ở khu vực Q.Tân Bình, Q.1 và các trang Facebook của những nàng “hotgirl kem trộn”, website của các công ty mỹ phẩm, người viết nhận thấy một số sản phẩm từng bị Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM phát hiện có chứa Corticoid (một loại hóa chất rẻ tiền nhưng cực nguy hại đối với người sử dụng) vẫn được bày bán công khai và rất đắt hàng (?).

Tháng 10/2015, Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM đã lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện nhiều loại mỹ phẩm làm đẹp chứa hóa chất nguy hại Clobetasol propionate - dẫn xuất nhóm Corticoid. Cụ thể, sản phẩm Whitening cream - Sắc Ngọc Hương - Sheap placenta - kem nhau thai cừu của Công ty TNHH SX-TM Sắc Ngọc Hương (Q.8); Kem Cream Q-10 Sắc Ngọc Trai Khang sản xuất từ thảo dược thiên nhiên của Công ty TNHH SXTM Mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My (Củ Chi); Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang được chiết xuất từ thiên nhiên của Công ty TNHH TMDVSX Mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên (Tân Phú); sản phẩm Sắc Ngọc Khang loại bỏ tàn nhang làm tan vết nám của Công ty TNHH SXTMXNK Mỹ Phẩm Tân Đại Dương (Bình Tân).

Ngoài ra Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM còn tìm thấy chất Dexamethasone, cũng là một dẫn xuất nhóm Corticoid, trong sản phẩm có vỏ hộp ghi Sắc Hoa Thiên giữ mãi tuổi xuân - collagen - tổ yến - siêu trắng của Công ty TNHH SXTM Mỹ phẩm Gia Việt (Ninh Kiều, Cần Thơ).

Vì sao đã bị “chỉ mặt, gọi tên”, các sản phẩm trên vẫn được lưu hành? Thả nổi thị trường, thả nổi quản lý chất lượng... trách nhiệm này thuộc về ai?

Bác sĩ Lê Đức Thọ, Chuyên khoa Da liễu trả lời: “Trách nhiệm này thuộc về ai nếu không phải là của các cơ quan quản lý chức năng? Ngoài việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhà sản xuất và người tiêu dùng (NTD), nên chăng cần có quy định bắt buộc nhãn hiệu các loại mỹ phẩm được phép lưu hành phải ghi rõ “Sản phẩm này không có Corticoid” và công bố minh bạch kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm lưu hành khi phát hiện có chứa Corticoid. Đồng thời, có biện pháp chế tài nghiêm khắc với các nhà sản xuất gian dối, lừa gạt NTD".

Hiểm họa từ mỹ phẩm chứa Corticoid
Hình minh họa viêm da do dị ứng Corticoid

“Độc dược” Corticoid

Corticoid là dược phẩm chống viêm mạnh, chống mẫn cảm, chống dị ứng, chống ngộ độc và ức chế miễn dịch, được dùng dạng uống, tiêm mạch, tiêm bắp và chích tại chỗ hay bôi da tại chỗ. Corticoid cũng là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế. Nếu sử dụng lâu dài có thể gây biến chứng như giảm khả năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ thể, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng: đái tháo đường, hội chứng Cushing, cao huyết áp, đặc biệt là hiện tượng nghiện Corticoid.

Bác sĩ Lê Đức Thọ cho biết: “Không phải chỉ có các loại mỹ phẩm tự chế, trôi nổi, rẻ tiền mới không an toàn mà ngay cả đến các loại mỹ phẩm đắt tiền, mỹ phẩm nhập khẩu cũng chưa hẳn bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Nếu chỉ được bào chế với các chiết xuất từ thiên nhiên, các sản phẩm trị nám, làm trắng, làm đẹp da cấp tốc không thể làm trắng sáng da một cách nhanh chóng như quảng cáo được. Các kiểm nghiệm trên thực tế đã cho thấy các sản phẩm “thần dược” này thường có chứa nhiều thủy ngân và Corticoid… Chúng có tác dụng làm trắng da nhanh nhưng là những hóa chất rất độc hại với cơ thể”.

Theo Bác sĩ Thọ, khi sử dụng những sản phẩm này có thể làm da “yếu” đi, mất cân bằng tự nhiên, thậm chí không thể phục hồi lại như trạng thái ban đầu. Điều này đã được các chuyên gia cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không có tác dụng.

Ngoài thị trường, mỹ phẩm thật giả lẫn lộn, mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm tự chế vẫn được mua bán rất sôi động. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, chỉ cần có gương mặt ưa nhìn, làn da sáng, các cô gái trẻ có thể ăn nên làm ra với việc bán mỹ phẩm online; thậm chí sau khi quen mối và có nhiều khách hàng, các hotgirl kem trộn còn có thể trở thành “nhà sản xuất”, NTD đã và đang trở thành nạn nhân và đôi khi phải trả trả giá bằng chính nhan sắc, sức khỏe của mình.

Làm sao để NTD có khả năng tránh được những nguy cơ tiềm ẩn từ mỹ phẩm? Bác sĩ Thọ cho rằng: “Chúng ta luôn hô hào NTD phải thông minh, phải biết cách tự bảo vệ mình, tránh dùng những sản phẩm độc hại. Tuy nhiên, trên thực tế, NTD Việt Nam không thể “thông minh” được vì họ không phải là “thầy bói” để “bói” ra loại mỹ phẩm nào có hay không có Corticoid, hóa chất độc hại… khi thiếu kinh nghiệm và rất thiếu thông tin. Các bệnh viện da liễu từ Bắc chí Nam đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nữ là nạn nhân của các loại mỹ phẩm chứa Corticoid với làn da hư hại và lão hóa sớm, rất khó hồi phục”.

Hiểm họa từ mỹ phẩm chứa Corticoid

Hiểm họa từ mỹ phẩm chứa Corticoid
Phiếu kết quả xét nghiệm của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM

Theo La Giang (NTD)

Ảnh: Thanh Nhàn