Học cách giao tiếp qua 4 điều Phật dạy

Lại là chuyện lời ăn tiếng nói – nhàm và sáo rỗng? Các công ty, doanh nghiệp ít nhiều dính dáng đến dịch vụ khách hàng, truyền thông, marketing… trau chuốt những kịch bản dạy ăn nói cho nhân viên để họ học thuộc như trẻ con vỡ lòng. Kể cả ở Hà Nội bây giờ người ta cũng không ham ăn “cháo chửi, phở chửi” nữa. Các nhà tâm lý học rất chăm trong việc chỉ ra sự liên quan giữa cách đối thoại và nói chuyện trong gia đình với sự thành công hay thất bại của các cuộc hôn nhân. Tình bạn tan rã, nghề nghiệp tiêu tan và hạnh phúc sẽ né tránh có khi chỉ vì một vài lời nói không suy nghĩ. Và đây là 4 điều Phật dạy chúng ta nên ghi nhớ bền lâu:

Học cách giao tiếp qua 4 điều Phật dạy

Thứ nhất là tránh những lời nói thô bỉ (những từ ngữ tàn nhẫn, ác, bẩn thỉu, kích thích).

Những lời này dù có chân thật, dù có lợi cho người nghe nhưng không làm cho họ vừa ý. Ví dụ: Ôi sao dạo này chị béo thế, chị phải tìm cách giảm cân đi chứ. Cổ nhân nói “trung ngôn nghịch nhĩ” là những lúc như thế này đây.

Thứ nhì là tránh những lời nói gây chia rẽ, gây bất hòa (những từ ngữ chia đảng phái, phe bầy)

Chị em phụ nữ chúng mình ít nhiều cũng đã bị rơi vào cảnh: “Chị A nói với chị B, và chị nghe từ chị C nói với chị D em là người nông cạn, luộm thuộm, hợm hĩnh”. Cuối cùng là nghi ngờ, mất lòng nhau, nghi kỵ nhau dẫn đến đổ vỡ tình bạn.

Thứ ba là tránh những lời nói dối (những từ ngữ mưu gian, lừa gạt, mánh khóe).

Đây là những lời nói giả dối có thể dễ lọt tai người nghe, hoặc là những lời ba hoa, khoác lác nhằm đề cao người nói. Chẳng có lời nói dối nào là sẽ không quay trở lại gây tai hại cho người nói, sau khi đã làm tổn thương người nghe.

Thứ tư là tránh những lời nói tầm thường (những từ ngữ không có giá trị, vô ích, vu vơ).

Những lời nói này tưởng như vô hại nhưng thật ra chúng lấy đi cơ hội để chúng ta suy ngẫm, lựa những lời hay, tiếng thật – những lời nói khiến ta gắn kết hơn với người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Ví dụ tối tối, thay vì nói những chuyện vô bổ, thay vì tán gẫu hoặc nói xấu người này người khác với các thành viên trong gia đình, ta có thể kể về những việc đã làm trong ngày, kể những chuyện vui, chuyện buồn, những bài học đúc kết được của mỗi người, chia sẻ với người thân để họ hiểu ta hơn.

Lời nói đúng, thích hợp với bối cảnh, nói đúng cách, đúng chỗ, tới đúng tai người nghe, nói từ một trái tim chân thành, một tâm hồn tích cực mới là những lời vô giá, và có sức mạnh để biến một người thường thành thánh nhân.

ST (webtretho)