Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa): Xưởng tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Suốt thời gian qua, 150 hộ dân với trên 500 nhân khẩu sinh sống tại thôn Trung Phong (xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng bởi tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi thối từ xưởng tái chế nhựa. Mặc dù người dân địa phương đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa): Xưởng tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Cơ sở tái chế nhựa nhưng ngoài cửa ghi “bãi trông giữ xe”. Ảnh: Ngọc Hưng

Tồn tại nhiều bất cập

Vừa thấy phóng viên, người dân thôn Trung Phong (xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương) đã vây lấy để phản ánh về tình trạng ô nhiễm không khí do xả khói bụi, tiếng ồn và mùi hôi thối bốc ra từ xưởng tái chế nhựa tại đây. Cũng vì ô nhiễm mà cuộc sống của bà con nơi đây bị đảo lộn, phải sống trong cảnh cửa đóng then cài hoặc đeo khẩu trang mỗi lần cơ sở này hoạt động sản xuất.

“Nhà tôi nằm sát bên cạnh xưởng tái chế nhựa. Mỗi lần xưởng hoạt động là mùi hôi thối kèm khói bụi bốc lên khiến gia đình không dám mở cửa. Về đêm, tiếng máy kêu ầm ầm phát ra khiến chúng tôi không tài nào ngủ được. Mỗi khi gặp luồng gió, mùi nhựa bị đốt cháy khét bay thẳng vào nhà. Người già và trẻ nhỏ đau đầu, khó thở”, bà Nguyễn Thị Dần (hộ dân sống gần cơ sở tái chế nhựa) cho biết.

Theo tìm hiểu, khu đất tại Cồn Ghành (thôn Trung Phong) được ông Nguyễn Văn Sỹ thuê với diện tích 10.600m2 từ đất công ích thuộc xã Quảng Phong với thời hạn 29 năm và xin cấp phép làm khu trang trại tổng hợp. Cuối năm 2017, ông Sỹ đã san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng với diện tích 1.500m2 trên phần diện tích đã thuê và cơi nới thêm từ phần diện tích đất xung quanh. Tháng 3/2018, cơ sở tái tế nhựa đi vào hoạt động khi chưa có giấy phép, chưa có đánh giá tác động môi trường....

Theo phản ánh, xưởng tái chế nhựa này hoạt động 24/24h và khí thải có mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt cơ sở này còn có một nhóm người nước ngoài đang trực tiếp vận hành máy móc sản xuất.

Theo quan sát của phóng viên, một phần diện tích nhà xưởng của cơ sở tái chế nhựa được xây dựng dưới đường dây điện với khoảng cách 30-50cm.

Anh Nguyễn Đồng Nên (ở thôn Trung Phong) cho biết: “Gia đình tôi cũng có phần diện tích đất nằm dưới đường dây điện nhưng chính quyền xã không cho xây nhà mà chỉ được phép làm ao trại nuôi cá. Tại sao một cơ sở tái chế nhựa xây dựng nhà xưởng lớn như vậy dưới đường dây điện mà không bị cơ quan chức năng nào tới xử lý, tháo dỡ? Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Quảng Phong kết hợp với các đơn vị liên quan vào cơ sở tái chế nhựa kiểm tra nhưng chủ cơ sở không hợp tác làm việc mà cố tình đóng kín cửa nhà xưởng".

Xã không đủ thẩm quyền xử lý?

Tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hoạt động tái chế nhựa của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ khiến người dân địa phương bức xúc là thực tế nhức nhối nhiều tháng nay. Trao đổi về những bất cập tại cơ sở tái chế nhựa này, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho biết:

“Thời gian gần đây, UBND xã đã nhận được nhiều phản ánh của người dân thôn Trung Phong về hiện trạng cơ sở tái chế nhựa của gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sau khi tiếp nhận thông tin và qua quá trình xác minh thực tế, UBND xã xác định thực trạng trên là đúng sự thật. Ngoài ra, trong xưởng tái chế còn xuất hiện nhóm người nước ngoài nên đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện Quảng Xương để tìm hướng xử lý”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Tại sao một cơ sở tái chế với quy mô lớn, lại xây dựng không phép nhưng chính quyền xã Quảng Phong không biết để có biện pháp xử lý?", ông Hưng giải thích: “Trong một kỳ họp của HĐND xã, cử tri thôn Trung Phong có đề nghị xuống kiểm tra. Sau đó UBND xã đã cử cán bộ xuống địa bàn thì phát hiện có một số người nước ngoài thường xuyên lui tới để lắp đặt nhà xưởng tái chế nhựa. Tuy nhiên, UBND xã nhận thấy không đủ thẩm quyền xử lý nên đã có văn bản số 06/BC-UBND ngày 29/1/2018 và văn bản số 12/BC-UBND ngày 23/3/2018 gửi UBND huyện Quảng Xương cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan xem xét, có biện phát xử lý triệt để nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại cơ sở tái chế nhựa của gia đình ông Sỹ".

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Hưng thẳng thắn thừa nhận phần trách nhiệm của UBND xã trong việc quản lý khi để cho cơ sở tái chế nhựa xây dựng không phép, xây nhà xưởng dưới đường điện. "Quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường là do sự quản lý lỏng lẻo của địa phương ngay từ đầu, chứ trách nhiệm xử lý thì UBND xã Quảng Phong không đủ thẩm quyền", ông Hưng nói.

Theo GiaDinh