Không nên ăn nấm khổng lồ ở Huế

Nấm khổng lồ ở Huế to hơn một chiếc mũ bảo hiểm và thời gian sống trong vòng từ 3 đến 5 ngày.


Nấm lạ xuất hiện ở Huế có kích thước to hơn một chiếc mũ bảo hiểm

Theo Thanh Niên, nấm khổng lồ xuất hiện tại các thôn Lương Quán, Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, TP Huế, Thừa Thiên- Huế).

Bên ngoài, loài nấm lạ có kích thước to hơn chiếc mũ bảo hiểm, thân mềm và mọc dày đặc quanh các gốc thanh trà. Đặc điểm của loại nấm lạ chính là xuất hiện từ rễ cây thanh trà và ngoi lên mặt đất thì phát triển rất nhanh, sống khoảng 3 đến 5 ngày.

Ngoài ra, sau khi nấm tàn, ở phần rễ cây thanh trà xuất hiện những khối u tổn thương, phải đào lên chặt bỏ. Nếu nếu không kịp thời xử lý, vị trí tổn thương sẽ làm thối rễ và dẫn đến cây chết cây.

PGS.TS Ngô Anh, chuyên gia nghiên cứu về nấm sinh học, Đại học Khoa học Huế (Đại học Huế) cho biết trên báo Dân Việt, nấm khổng lồ ở Huế là nấm thuộc chi Boletus, thường mọc lên sau những cơn mưa. Dưới điều kiện thời tiết bất thường, mưa dầm, cộng với những bào tử có sẵn trong đất nhiều dinh dưỡng, khi điều kiện thời tiết thuận lợi là nấm nảy nở.

“Hiện chưa rõ loài nấm này có ăn được hay không và có thuộc loại nấm quý hiếm hay không cần phải đợi kết quả nghiên cứu. Do vậy, khuyến cáo người dân không nên ăn loại nấm này”, PGS.TS Ngô Anh nói.

Cũng theo ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết: “Đúng là loài nấm này rất lạ, to quá. Xưa chừ tôi mới thấy loại nấm to như thế này”. Ngoài ra sẽ cử người kiểm tra lại, nếu nấm thật sự quý hiếm sẽ có phương án bảo vệ vườn nấm.

Theo Ngọc Ngà ( baogiaothong )