‘Không thể hội nhập với kinh tế cát cứ’

“Để hội nhập thành công cần có thể chế và con người, nhưng chúng ta chưa có con người hội nhập”, đại biểu Trần Khắc Tâm phát biểu trong phiên thảo luận Quốc hội sáng nay.

Ông Trần Khắc Tâm, đại biểu Sóc Trăng là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Công ty Trần Liên Hưng. Trong phần phát biểu của mình tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội sáng nay, ông Tâm nói:

9 năm trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), tôi còn là cử tri, được nghe rất nhiều phát biểu lạc quan rằng Việt Nam có thể sớm hóa rồng, hóa hổ. Thực tế, những tác động tiêu cực từ bên ngoài, những yếu kém bên trong làm chúng ta nhiều phen lao đao.

Không thể hội nhập với kinh tế cát cứ
Ông Trần Khắc Tâm: "Sức nóng TPP đang phả vào gáy chúng ta".

Sau khi gia nhập WTO, chúng ta mới phát hiện có những khoảng trống lớn về thể chế pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, và cũng nhận ra đội quân hội nhập quá non nớt về cả tri thức kinh tế, thương mại toàn cầu. Ngay đến ngoại ngữ - một công cụ giao tiếp trong hội nhập thì nhiều người cũng rất kém.

Có những lĩnh vực trước đó tưởng là thế mạnh, như sản xuất nông nghiệp thì cũng gặp không ít thăng trầm, phải nghe hoài điệp khúc được mùa rớt giá, được giá mất mùa. Con tôm, con cá tra bị nước ngoài áp đặt các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật bất bình đẳng.

Hội nhập, rồi đàm phán hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) vẫn chỉ như là việc của riêng Chính phủ chứ không phải việc của doanh nghiệp, người dân và phần lớn bộ máy công chức.

Thật bất ngờ, doanh nghiệp - đội quân được coi là tiên phong trong hội nhập, thì một điều tra gần đây cho thấy có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và 60% được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng đến mình.

Không thể hội nhập với kinh tế cát cứ

Để hội nhập thành công thì đồng thời phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập. Với việc ban hành Hiến pháp 2013, và sau kỳ họp này với việc xem xét thông qua 18 luật và bộ luật, có thể nói chúng ta đã đặt một nền tảng quan trọng. Có thể khẳng định những đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam là tiến bộ, tiệm cận được với chuẩn mực chung của thế giới.

Thế nhưng, điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập. Quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm.

Không thể hội nhập với kinh tế cát cứ
Quang cảnh lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” do UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Bia Sài Gòn tổ chức ngày 5/9. Ảnh: PL TP HCM

Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí, sự chậm trễ vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân.

Chúng ta không thể hội nhập thành công nếu như 63 tỉnh, thành trở thành 63 khu vực cát cứ, không có sự liên kết, phân công. Các đại biểu Quốc hội đã từng đề cập đến tình trạng “chỉ thị mồm” rằng phải sử dụng thép tỉnh nhà, xi măng tỉnh nhà, thì mới đây thậm chí người ta còn ký cả văn bản hành chính yêu cầu phải uống bia tỉnh nhà.

Điều đáng lo ngại hiện nay là trong khi các nhà lãnh đạo cứ bày tỏ quyết tâm, các đoàn đàm phán cứ hăng say trên bàn đàm phán, còn cộng đồng doanh nghiệp thì đứng ngoài, người dân thì thờ ơ và bộ máy công chức (đặc biệt ở các cấp cơ sở) thì vô cảm.

Thật xót xa, nếu như những nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong các cuộc gặp gỡ, đàm phán, các chuyến thăm nước ngoài phải tranh thủ giành lấy từng chút cơ hội, thuận lợi cho nước mình; nếu như lợi thế giành được của việc căng co từng câu từng chữ của các đoàn đám phán, bị bỏ phí, không được chuyển hóa thành những hợp đồng, những đơn hàng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và việc làm mới cho người lao động.

Sức nóng TPP phả vào gáy

Có thể nói, sức nóng của TPP đang phả vào gáy chúng ta. Nếu không nhận biết định lượng, cụ thể về các cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình, thì nền kinh tế Việt Nam (là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP) sẽ hoàn toàn bị “đánh chiếm” bởi các đội quân viễn chinh kinh tế hùng hậu của nước ngoài. Và cuối cùng chúng ta vẫn chỉ là người làm thuê trên mảnh đất màu mỡ của mình.

Để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người, con người và con người.

Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này.

Việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016, tôi đồng tình với báo cáo của Thủ tướng và báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã trình bày, là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy.

Theo Phương Loan (zing)