Làm sao giữ được người muốn đi...

"Liệu một người phụ nữ bất chấp sinh mạng của mình, bất chấp sự đau lòng của mẹ cha, tương lai của con cái để níu kéo người chồng đã thay lòng đổi dạ có thể sống thanh thản, hạnh phúc?”.

“Sao nãy giờ chị cứ ôm khư khư cái giỏ, trong đó đựng gì vậy?”, vị chủ tọa phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa chị V.T.Y. và anh L.T.H. tại Cần Thơ ngày 3/8, nhẹ nhàng hỏi. Chị Y. lau nước mắt: “Đó là tất cả sinh mệnh của tôi”. Rồi theo yêu cầu của vị chủ tọa, chị lần lượt lôi từ trong giỏ ra hai chai thuốc diệt cỏ, một sợi dây thừng, một con dao Thái Lan sắc nhọn… những vật thể hiện quyết tâm bảo vệ gia đình đang bên bờ vực đổ vỡ của chị.

Chị trình bày, cuộc hôn nhân của chị là hoàn toàn tự nguyện, yêu nhau 5 năm mới cưới. Trong 5 năm đó, ngày nào anh cũng có mặt ở nhà chị; mỗi con đường, góc phố đều có hình bóng hai người. Khi anh chị tính chuyện cưới hỏi vấp phải sự phản đối của hai gia đình. Ba anh chê nhà chị không môn đăng hộ đối. Cha mẹ chị thì biết cha mẹ anh từng ly hôn nên lo con vấp phải vết xe đổ của người lớn… Quyết tâm đến với nhau, anh chị đã tự in thiệp, tự tổ chức cưới.

Mười năm sống chung, anh kinh doanh, chị đi dạy, hai con một gái một trai. Khi anh được cất nhắc lên vị trí cao hơn, vợ chồng để dành được tiền, mua đất xây căn nhà khang trang trị giá bốn tỷ đồng. Từ hơn một năm nay, chị phát hiện anh có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ khác, đặc biệt là với một người làm cùng công ty, đã có gia đình. Chị tìm tình địch nói thiệt hơn, cô ta hứa sẽ cắt đứt nhưng vẫn âm thầm tiếp tục qua lại với chồng chị.

Làm sao giữ được người muốn đi...
Bảo vệ phiên tòa giữ con dao chị Y. mang theo với ý định tự tử

Giận chồng, giận người thứ ba, chị đến cơ quan anh nhờ can thiệp. Anh đòi ly thân, đưa đơn ly hôn, giao nhà cho chị và các con sử dụng. Tháng 2/2016, Tòa sơ thẩm tuyên cho anh chị được ly hôn. Không cam lòng, chị kháng cáo. Suốt quá trình làm thủ tục, chị không ngừng nhắn gửi, nếu tòa xử cho anh được ly hôn, chị sẽ quyên sinh tại tòa để thức tỉnh lương tâm của anh và người phụ nữ kia.

Ngày 3/8, trước hội đồng xét xử, chị cương quyết bảo vệ quan điểm của mình, khẳng định chị vẫn yêu anh tha thiết. Chị cho rằng vì anh là người tài giỏi, tốt bụng, đẹp trai, thành đạt nên phụ nữ vây quanh không thiếu, anh chỉ nhất thời say nắng mà đòi bỏ chị. Chị chấp nhận tất cả yêu cầu của anh, miễn tòa không cho anh ly hôn. Chị hy vọng, trong khoảng thời gian cho phép của luật định, anh sẽ thức tỉnh trở về, cùng chị nuôi dạy hai con…

Đáp lại sự tha thiết của chị, anh dứt khoát yêu cầu được ly hôn. Anh cho biết, tình cảm anh dành cho chị đã hết, anh sẽ có trách nhiệm phối hợp với chị để nuôi dạy con… Suốt phiên tòa, đối lập với những giọt nước mắt của chị là sự lạnh lùng của anh. Sự “quyết tâm muốn chết” và lời hứa sẽ chờ ngày anh “thức tỉnh” của chị không hề lay động được anh.

Anh một mực cho rằng, khi tình đã hết thì tờ giấy đăng ký kết hôn cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Anh khẳng định, nếu hôm nay tòa chấp nhận đơn kháng cáo của chị, thì anh vẫn sẽ sống ly thân, chờ đủ thời gian theo luật định để tiếp tục gửi đơn ly hôn lần nữa.

Kết thúc phiên tòa, chủ tọa tuyên sửa án sơ thẩm, bác đơn xin ly hôn của anh để hai người có cơ hội đoàn tụ. Chị gập người bày tỏ lòng biết ơn hội đồng xét xử, đôi vai gầy run lên từng chập. Phần thắng đã thuộc về chị, nhưng liệu tình cảm vợ chồng có thể phục hồi? Một ngày nào đó, chị cũng phải nhận ra sự thật. Tình yêu không thể gượng ép, trói buộc.

Hôm nay chị lấy cái chết để làm áp lực với anh tại phiên tòa, những ngày tới, khi anh đã quyết liệt như vậy, chị sẽ lấy gì để khơi lại tình cảm nơi anh? Vị chủ tọa phiên tòa hôm ấy cũng cảm thán: “Tôi chưa bao giờ xét xử một phiên tòa đau lòng như thế. Người ta nói: giữ người ở lại, ai giữ được người muốn đi. Liệu một người phụ nữ bất chấp sinh mạng của mình, bất chấp sự đau lòng của mẹ cha, tương lai của con cái để níu kéo người chồng đã thay lòng đổi dạ có thể sống thanh thản, hạnh phúc?”.

Hiền Dung (Phunuonline)