Muốn kiểm soát an toàn thực phẩm thì phải cải cách thể chế

Mới thoạt nghe thì đây có vẻ như là một mệnh đề vô lý, chuyện vệ sinh an toàn (VSAT) thực phẩm thì liên quan đến công tác kiểm tra quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi chứ liên quan gì đến thể chế. Nhưng thực tế lại đang đúng như vậy.

Muốn kiểm soát an toàn thực phẩm thì phải cải cách thể chế

Câu chuyện về những khó khăn trong việc kiểm tra VSAT thực phẩm cũng đang là ví dụ điển hình cho những vấn đề cần giải quyết nhất trong câu chuyện cải cách thể chế ở Việt Nam. Vì thể chế đang có tác động lan toả trong rất nhiều lĩnh vực và vấn đề. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về mặt thể chế, thì không những Việt Nam sẽ không thể giải quyết được vấn đề kiểm soát VSAT thực phẩm mà sẽ còn không thể vận hành hiệu quả cả nền kinh tế.

Vì sao chuyện VSAT thực phẩm lại liên quan đến câu chuyện cải cách thể chế ở Việt Nam? Câu trả lời rất đơn giản. Trong buổi tọa đàm “Kinh nghiệm tổ chức quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Vương quốc Bỉ” diễn ra vào ngày 13.5, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương là ông Bùi Huy Sơn lý giải, trong khi ở Bỉ chỉ cần một cơ quan phụ trách kiểm soát VSAT thực phẩm, thì ở Việt Nam cần tới những 5 Bộ lớn trong Chính phủ, đó là chưa kể đến số Cục, Vụ thì rất nhiều.

Cụ thể, sự quản lý chồng chéo của 5 Bộ trong vấn đề VSAT thực phẩm ở Việt Nam hiện tại như sau: Bộ Y tế có Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm; Bộ NN&PTNT có Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật; Bộ Khoa học công nghệ có Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Bộ Công thương có Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường trong nước; cuối cùng là Bộ Công an.

Sự chồng chéo và thiếu hiệu quả trong quản lý đó được đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc vấn đề VSAT thực phẩm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, trong khi thực trạng thực phẩm bẩn đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Rõ ràng là khi bộ máy kiểm soát chất lượng VSAT thực phẩm rơi vào tình trạng chồng chéo như hiện nay, thì vấn đề sẽ còn lâu nữa mới được giải quyết.

Và thay vì có những thay đổi về mặt quản lý, để công tác kiểm tra chất lượng VSAT thực phẩm nhanh chóng và hiệu quả hơn, thì chúng ta lại quy trách nhiệm về tập trung xử lý những vi phạm từ phía người nông dân như một biện pháp răn đe.

Đúng là về lý thuyết, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là do hầu hết những người chăn nuôi và trồng trọt vi phạm các tiêu chuẩn về VSAT thực phẩm. Nhưng rõ ràng là nếu có một hệ thống kiểm tra và kiểm soát chất lượng VSAT thực phẩm hiệu quả của các cơ quan chức năng, khiến cho thực phẩm bẩn không thể tràn vào thị trường nhiều như hiện nay, thì sẽ không có chuyện người nông dân sử dụng tràn lan chất cấm và các chất độc hại khi nuôi trồng như vậy.

Đó là chưa kể đến việc, hầu hết người nông dân sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi hiện nay (vốn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thực phẩm bẩn) cũng xuất phát từ tình trạng thiếu hiệu quả của cơ quan quản lý. Hầu hết các chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt này về lý thuyết phải được các Bộ ngành kiểm soát một cách chặt chẽ thay vì trôi nổi và tràn lan trên thị trường như hiện nay.

Nói cách khác, sự yếu kém trong vấn đề quản lý đang là nguyên nhân gây ra tất cả, từ việc lan tràn các chất cấm trên thị trường dẫn đến thực phẩm bẩn ngày càng nhiều, cho đến việc không thể kiểm soát và để số thực phẩm bẩn đó tràn vào thị trường, đến tay người tiêu dùng.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự yếu kém trong vấn đề quản lý đó chính là sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý, vốn là tình trạng chung của hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Chỉ riêng trong vấn đề kiểm soát chất lượng VSAT thực phẩm đã có tới 5 Bộ cùng cả chục Cục, Vụ... thì trong các lĩnh vực khác tình trạng tương tự cũng đang diễn ra.

Điển hình là câu chuyện các công ty xăng dầu lách luật dẫn đến lạm thu của người tiêu dùng mấy ngàn tỉ đồng cách đây ít lâu, kết quả là hai bộ có trách nhiệm quản lý là Bộ Công thương và Bộ Tài chính đá trách nhiệm sang cho nhau và vấn đề đến giờ vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Để chấm dứt tình trạng quản lý chồng chéo, kém hiệu quả trong vấn đề kiểm tra VSAT thực phẩm nói riêng và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế nói chung, vì thế cần phải có sự phân bổ vai trò và trách nhiệm trong vấn đề điều hành một cách hợp lý và khoa học. Để làm được việc này thì cần phải tiến hành những cải cách về mặt thể chế.

Việc Thủ tướng cam kết đặt mục tiêu hướng tới một Chính phủ kiến tạo và phục vụ trong thời gian tới cũng bao hàm vấn đề cải cách về mặt thể chế và phân chia vai trò và trách nhiệm giữa các bộ ngành cho phù hợp, vì sẽ không thể có một Chính phủ kiến tạo và phục vụ nếu như các bộ ngành vẫn tiếp tục chồng chéo lẫn nhau trong các vấn đề điều hành nền kinh tế như hiện nay.

Rõ ràng là, sự chồng chéo và kém hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề vĩ mô trong nền kinh tế của các bộ ngành trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân gây ra những vấn đề lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Trong hầu hết các vấn đề nóng nhất trong nền kinh tế thời gian qua, chúng ta đều thấy rõ sự chậm trễ trong cách xử lý và ứng phó.

Ở sự việc hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long, khi nước mặn đã xâm lấn tới 8/13 tỉnh thành của khu vực thì chúng ta vẫn chưa có biện pháp xử lý; còn ở vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, mức độ rộng lớn đã lan tới vùng biển của 4 tỉnh thành thì các cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc.

Còn trong câu chuyện thị trường bán lẻ bị các tập đoàn nước ngoài thâu tóm, thì cũng nổi bật lên vấn đề một số cơ quan quản lý đã buông lỏng để các DN bán lẻ nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh và thậm chí vi phạm phát luật một cách khá thường xuyên.

Nếu nền kinh tế là một cỗ xe, thì sự phối hợp giữa các bộ ngành chính là động cơ của chiếc xe ấy. Một khi các bộ phận chính của động cơ hoạt động không tương thích với nhau, thậm chí cản trở nhau, thì chiếc xe ấy sẽ không thể nào có thể hoạt động hết công suất được.

Ấy vậy mà chiếc xe Việt Nam đã phải chịu đựng tình trạng ấy trong suốt nhiều năm qua và gần như không một lần được sửa chữa. Nếu chúng ta thực sự muốn đổi mới và muốn nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, thì điều đầu tiên cần làm là phải sửa chữa lại động cơ của chiếc xe kinh tế trước đã.

Theo Nhàn Đàm ( MTG )