Năm "nút bật" để con trưởng thành

Bảo con kiên nhẫn chờ, bởi kết quả thực sự sẽ không có ngay. Để có được mùa trái ngọt, hạt giống phải nẩy mầm, ra rễ, thân, lá, bông… phải trải qua hành trình chăm sóc gian khó.

Qua tiếp cận, khảo sát những gương thành công, có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, diễn giả Trần Quốc Phúc (Giám đốc điều hành Công ty Cho bạn cho con, Q.3, TP.HCM, tác giả của tác phẩm mỹ thuật đầu tiên ứng dụng audio giáo dục phẩm chất con trẻ mang tên Vườn tâm hồn) rút ra mẫu số chung là họ từng nhận được giáo dục tích cực từ gia đình. Năm giá trị cốt lõi được cha mẹ ươm từ ngày thơ là “nút bật” cho họ vươn tới chân trời cao rộng.

1. Tự phá kén

Sau khi được/bị người xé kén giúp, con bướm kết thúc vòng đời chóng vánh. Chỉ khi tự phá kén, tự chui ra, cơ thể bướm mới tiết ra hormon sinh trưởng để đề kháng và thích nghi với môi trường mới. Chẳng ai phủ nhận quy luật sinh tồn ấy, nhưng với tâm lý bao bọc, xót con, phụ huynh không dễ nhận ra mình đang xé kén giúp, cũng là tước đi khả năng độc lập, tự lực ở con. Hẳn phụ huynh nghĩ thời điểm con gặp khó khăn ấy là con cần mình nhất?

Thế mới có hình ảnh quen thuộc đến hiển nhiên là khi bé té, người mẹ, người bà chạy ào đến đỡ dậy, xuýt xoa, vỗ về và còn trút bực tức lên bậc thềm, cầu thang: “Đánh nè, cái cầu thang làm con té”. Thế nên khi té, bé không đứng lên mà chờ đợi, đòi hỏi người khác phải đỡ dậy. Chính người lớn cho bé nghĩ thế, làm thế.

Bé có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, rất nhẹ nhàng, dễ dàng, nhưng lại không đứng vì đã “liệt” ý chí trong đầu. Ai đòi hỏi nhiều ở người khác thì người đó tự nhiên yếu. Sau này lớn tuổi, “đứa bé” ấy sẽ đổ lỗi cho người khác, không chấp nhận sự đảo nghịch với cách cư xử từng được nhận trong quá khứ. Sự trưởng thành được tính bằng số lần được cha mẹ trợ giúp, làm thay hay chính bằng số bậc thềm chính con chinh phục?

Năm
Ảnh mang tính minh họa: Internet

2. Đặt hết tình yêu

Tuyệt đối không áp đặt trong hướng nghiệp con cái, phụ huynh cần giúp con xây dựng tình yêu với công việc, ngành nghề của mình. Cũng như đầu tư tình yêu đủ lớn vào hôn nhân, gia đình, con sẽ ấm áp, hạnh phúc; đầu tư tình yêu đủ lớn vào công việc, con sẽ thấy điều kỳ diệu, chứ không phải luôn bị áp lực hay luôn cảm thấy bị sếp đì, đồng nghiệp ganh tị.

Từ nhỏ, khi con rót một ly nước, phơi một cái áo, rải lúa cho gà ăn, nấu một nồi cơm, cha mẹ nên khuyến khích thái độ ân cần, trân trọng, nhiệt thành ở con. Nếu không mang tình cảm vào công việc, thì dù việc nhỏ cũng không thể thực hiện đến nơi đến chốn. Lớn lên, là một người bán hàng, nếu con ghét bỏ, khinh rẻ sản phẩm mình bán; ruồng rẫy, oán ghét chỗ ngồi và quầy trưng bày; tị nạnh với đồng nghiệp, bực dọc với khách hàng… thì thành công nào sẽ mỉm cười với mình? Thành công không chỉ ở thu được nhiều tiền mà còn ở những giá trị tinh thần mà niềm đam mê công việc mang lại.

3. Tư duy tích cực

Nếu được nuôi lớn từ dòng sữa ngọt lành, trong không khí gia đình ôn hòa, dân chủ, gắn kết… thì con sẽ ăn ngon, ngủ ngon, học hành đúng sức, nói lời chân thật và hồn nhiên, suy nghĩ mạnh mẽ và tích cực, thể chất tinh thần phát triển hài hòa. Sự tử tế, lạc quan sẽ như con lạc đà dũng mãnh đưa con qua sa mạc cằn khô, vượt qua bao chướng ngại trong sự nghiệp, đời sống.

4. Niềm tin dẫn lối

Từng có những người khi được khen, đã phản ứng cự lại, ôm mặt khóc bỏ chạy. Những ẩn ức tuổi thơ, mặc cảm hằn sâu do cha mẹ chạm khắc từ xa xưa khiến họ không đủ tự tin để nhận ra nét đẹp hay những điều hay của mình. Thậm chí, đứng trước sự khen tặng, họ còn cho đó là lời châm chọc, “nói sốc”, cảm thấy bị xúc phạm, chạm tự ái. Khi chưa đủ nhận thức về bản thân, con trẻ nghĩ mình là những gì cha mẹ nói. Bất hạnh thay nếu những lời ấy là “mày xấu xí, ngu dốt, mày là đứa ăn hại, mày lớn lên chỉ đi ăn cướp”.

Dìm hàng con là tước đi nơi con niềm tin và hơi ấm, giết chết phần đời còn lại của con. Những lời đùa nghịch vu vơ, vô tình của cha mẹ như đọc trại tên con là Diễm thành Dỏm, Hưng thành Hư… gọi con là thằng Lé, thằng Móm, con Ú (dựa vào đặc điểm cơ thể con) sẽ ảnh hưởng khôn lường.

Lời nói của cha mẹ có hiệu ứng rất mạnh mẽ, ăn sâu vào tiềm thức, là cánh tay vô hình kìm lái con thuyền số phận của con mình. Một cô bé có gương mặt bị “cả thế giới” chê bai nhưng chỉ mẹ luôn khen cô đẹp và ưa nhìn. Mẹ là người gần gũi, hiểu mình nhất thì tại sao lại nghi ngờ nhận xét từ mẹ và không tự tin với nét đẹp đặc biệt của mình? Vượt qua rào cản tâm lý, theo đuổi ước mơ, cô trở thành một người mẫu nổi tiếng với phong thái tự tin, quyến rũ từ bên trong.

5. Gieo hạt và đừng hoài nghi mùa trái ngọt

Nỗi đau đớn nhất là một ngày đã trôi qua mà mình chưa làm được việc gì để giúp đỡ người khác. Có những con người như thế. Họ luôn dạt dào lẽ sống vì ngoài kia còn nhiều mảnh đất hoang cần bàn tay gieo trồng của mình. Cha mẹ dạy con gieo hạt giống nhân ái cũng lắm công phu.

Con bạn có thể vừa chìa năm nghìn đồng mua bánh mì cứu đói cho một người hành khất, vừa thầm chê trách “chú có tay có chân mà không tự làm việc, kiếm sống…” một cách miễn cưỡng. Trong khi đó, con có thể quyết định dừng giúp đỡ người khác vì sợ mình thiệt thòi hay vì thấy vô ích, thấy chưa được người kia đền đáp. Bạn trao đổi với con rằng hạnh phúc hiện diện ngay khi ta cho đi một cách tự nguyện, trong sáng. Đơn giản vì “may quá, mình còn có cái để cho”.

Bảo con kiên nhẫn chờ, bởi kết quả thực sự sẽ không có ngay. Để có được mùa trái ngọt, hạt giống phải nẩy mầm, ra rễ, thân, lá, bông… phải trải qua hành trình chăm sóc gian khó. Có thể người được giúp chưa trả ơn cho con ngay nhưng họ sẽ nói với những người khác bao điều tốt đẹp về con và âm thầm gửi đến con những câu chúc lành.

Đó là nguồn năng lượng vô hạn để con sống và tiến xa trong nghề nghiệp, cuộc sống. Nhiều người thành đạt chia sẻ “tôi không hiểu sao mình may mắn thế, chắc được trời thương”, tất cả khởi nguồn từ ngân hàng tình thương mà chính bạn đã “chuyển khoản” cho người khác. Điều tốt đẹp hoặc sẽ quay lại, hoặc sẽ chuyển hướng, mà chiều nào cũng lan tỏa, ngát hương.

Theo Tô Diệu Hiền (Phunuonline)