Nghề báo và những hành trang vào nghề



Hớn hở bước vào nghề báo với một tháng thực tập ở các tòa soạn, nhưng không ít sinh viên báo chí chưa hề biết mình phải làm những gì.

 

Nghề báo: Nghề không dễ dàng và cần chuẩn bị hành trang kỹ càng

 

Mùa thực tập kết thúc. Một số sinh viên năng động, chăm chỉ không chờ đến khi đi thực tập mới cộng tác với các báo, nhưng cũng có không ít sinh viên dự định theo nghề báo chí nhưng chưa hề trang bị cho mình chút kỹ năng nào cả.

Xin kể một số ví dụ để các em sinh viên đang dự định bước vào nghề báo có thể thấy mình cần tự trang bị những kỹ năng tối thiểu.

Kỹ năng giao tiếp: nghề báo, phần nào đó giống nghề ngoại giao. Mỗi ngày người làm báo phải gặp gỡ rất nhiều người lạ, họ làm nhiều nghề khác nhau, trong nhiều môi trường khác nhau. Trách nhiệm của phóng viên là phải “moi tin” từ họ, thậm chí khi chỉ gặp được trong một vài phút ngắn ngủi. Cái nhìn đầu tiên sẽ khiến người đối diện quyết định trong vài giây, họ có sẵn lòng cung cấp thông tin cho bạn hay không.

Một nam sinh viên năm cuối về thực tập nơi tôi làm đã gọi người cần hỏi bằng “bác”, xưng “con”. Đáng nói là anh chàng này 23 tuổi, còn người phụ nữ kia mới khoảng ngoài 40. Anh chàng chống chế: người Bắc có thói quen gọi theo ngôi thứ (ý nói, bố của anh chàng còn trẻ hơn chị kia, nên phải gọi bằng “bác” mới đúng ngôi thứ), nhưng cách xưng hô ngoài xã hội không thể áp dụng như trong gia đình. Trong giao tiếp với nguồn tin, tốt nhất nên gọi anh, chị, xưng tôi.

Dám hỏi: Một số sinh viên đi thực tập nhưng quá nhút nhát, đến nỗi chỉ đến cơ quan ngồi hết giờ rồi về, chờ “sai bảo” mà không dám hỏi, không dám xin việc. Cơ quan báo chí là một bộ máy sản xuất gồm nhiều khâu gắn chặt với nhau chính xác đến từng giờ, thậm chí từng phút. Ai cũng phải hoàn tất phần việc của mình trong ngày, rất bận rộn, nên nếu các bạn không dám chủ động “làm phiền” người hướng dẫn mình, e rằng chính các bạn sẽ gây phiền hơn cho đồng nghiệp khi thực sự làm việc.

Một dạng thụ động khác là không chịu động não. Khi được giao đến một cơ quan trong ngành xin lịch làm việc của họ, không ít bạn yêu cầu anh chị phóng viên hướng dẫn mình cho số điện thoại, địa chỉ, thậm chí số điện thoại di động của lãnh đạo cơ quan đó, để… gọi điện tới xin lịch làm việc! Tại sao không biết tra cứu (mạng, tổng đài 1080…) để tìm những gì mình cần? Là sinh viên thực tập, liệu lãnh đạo nào chịu tiếp các bạn – mà tiếp qua điện thoại – để cung cấp lịch làm việc cơ quan mình? Đây có lẽ không phải lười, mà do các em thiếu kỹ năng đến mức trở thành ngô nghê.

Trung thực: Có những bạn quá “tháo vát” đến mức trở thành kẻ nói dối. Khi đi thực tế tại một xã nông thôn để tìm hiểu việc giá bò đang giảm, một sinh viên đã giới thiệu mình là người mua bò. Chủ nhà đang bận việc cách đó khá xa, nhưng người nhà thấy có mối mua bò thì mừng quá, chạy đi kiếm về bằng được.

Chưa nói dối trá là không thể chấp nhận trong giao tiếp, nhất là giao tiếp của một nhà báo tương lai với bạn đọc của mình, mà việc này còn có gì đó mang tính hỗn xược. Cuối cùng, người nông dân nọ khi biết bị “lừa” đã hết sức bực mình và bạn sinh viên nọ đã không thể có được sự hợp tác thông tin của ông. Cách làm đúng ở đây là nói thật và tự đi tìm người cần hỏi, ở nơi họ đang làm việc.

Một dạng khác, chắc chắn sẽ bị mời ra khỏi cơ quan báo ngay khi bị phát hiện. Đó là “xào nấu” thông tin.

Phải nhắc lại điều ai cũng biết, chưa cần kể đến kinh nghiệm và các mối quan hệ để có thể kiểm tra phóng viên đã tiếp cận với nguồn tin hay chưa, với Internet, có thể nói 99% sự gian dối sẽ bị bóc trần trong nháy mắt.

Tò mò: Có bạn mang về rất nhiều tài liệu hay nhưng không chịu đọc, hoặc đọc nhưng không hề thắc mắc với thông tin (chưa nói đến suy luận vì các em đang còn là sinh viên, dù là sinh viên năm cuối). Nhưng thiếu bộ não hay tò mò, có thể nói, cánh cửa nghề báo đã khép với các em, vì tò mò, hay thắc mắc là một động lực của người làm báo, nó thúc đẩy sự tìm tòi, giải đáp các câu hỏi mà xã hội đặt ra.

Do không tự tìm hiểu các kiến thức cơ bản về nghề nghiệp và tiêu chí của tờ báo mình đã nhắm đến, cuối cùng, khi tiếp cận nguồn tin hoặc được dự các hội nghị lớn của ngành, các bạn chỉ biết ngồi ngơ ngáo, như vịt nghe sấm mà không thu lượm được gì cả.

Không ít người nghĩ nghề báo chẳng cần gì học nhiều. Nhà báo lại quá “sung sướng”, chẳng phải dầm mưa dãi nắng, lúc nào cũng oai, được ăn được nói (có khi còn được gói mang về), chụp hình chung với lãnh đạo, được viết bài phê phán và dạy dỗ người khác. Ngoáy vài phút ra cái tin bằng vài chục cân thóc, thích thật! Chẳng biết làm gì, thôi ta đi làm báo! Thấy bạn mình nó viết dễ như không ấy mà!…

Thế nhưng không một nghề nghiệp nào trở thành kỹ năng mà không cần làm việc chăm chỉ và cật lực. Không một nghề nghiệp nào không đòi hỏi sự trau dồi kiến thức thường xuyên, bền bỉ. Với nghề báo, một nghề cho bạn rất nhiều kiến thức, sự trải nghiệm, vốn sống, thì trước tiên, bạn phải cho nó tình yêu và thời gian.

Trên diễn đàn của nhiều khóa báo chí hoặc sinh viên theo học các ngành xã hội có ý muốn làm báo, nhiều bạn than phiền tòa soạn không thân thiện, các anh chị phóng viên không giúp đỡ. Tôi nghĩ lời than phiền đó có thể chứa một phần sự thật, nhưng có một sự thật nữa có thể các bạn sinh viên chưa biết – đó là, không ngành nào luôn luôn khát nhân lực như báo chí. Tìm được một người có tố chất, có khả năng phát triển, tòa soạn nào cũng mừng như bắt được vàng.

Có điều, ít ra vàng cũng phải lấp lánh đôi chút dù ở bên ngoài, để thợ mỏ còn có hy vọng khai thác, chứ nếu cứ “ngọc trong đá” muôn thuở thì muôn thuở vẫn cứ là… đợi đấy!

Hoàng Xuân/Người Làm Báo