Nghề Freelancer: Đồng tiền không liền trách nhiệm

Ở Việt Nam, nghề freelancer chủ yếu được tuyển dụng qua các trang mạng xã hội và hiện có hơn 50 website về tìm kiếm việc làm cho nghề này. Câu hỏi đặt ra, với cách tuyển dụng tự do như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng công việc không?

Chưa bao giờ ở Việt Nam freelancer được tuyển dụng nhiều như hiện nay, ở các website tìm kiếm việc làm, freelancer được tuyển dụng trên hầu hết các ngành như: xây dựng website, IT - phần mềm, thiết kế, đồ họa - kiến trúc, dịch thuật - ngôn ngữ. Đặc biệt là các ngành liên quan đến dịch thuật và biên tập, lực lượng freelancer này rất đông đảo. Đa phần là những người thất nghiệp, hoặc đang có một công việc lương thấp, muốn làm thêm để có thu nhập.

nghe-freelance1
Hình minh họa
“Khi hoàn thành công việc, nhà tuyển dụng sẽ thanh toán lương lúc nghiệm thu sản phẩm. Hai bên không có ràng buộc nào về pháp luật hay chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố về kết quả công việc”.

Theo kinh nghiệm của một freelancer biên tập chia sẻ trên mạng xã hội: “Sau khi trao đổi công việc với nhà tuyển dụng, giữa hai bên không hề có một hợp đồng ký kết gì về trách nhiệm mà chỉ dựa vào sự quen biết đơn thuần, hoặc dựa vào hồ sơ của freelancer mà thực hiện thỏa thuận lương và công việc. Khi hoàn thành công việc, nhà tuyển dụng sẽ thanh toán lương khi nghiệm thu sản phẩm. Hai bên không hề có ràng buộc nào về pháp luật hay chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố”.

Trong khi đó, chị Ngọc Huyền - Trưởng phòng nhân sự một công ty “săn đầu người” lại chia sẻ: “Nhu cầu săn lùng nguồn nhân lực cao cấp đang trở nên vô cùng phức tạp và khó khăn. Hiện các trang tuyển dụng freelancer quá tràn lan, hồ sơ lại không như năng lực thực tế, không chi tiết, và trách nhiệm với công việc không cao. Bởi lẽ hầu hết những người có tay nghề, chuyên môn, năng lực cao đều đã có chỗ làm ổn định với ưu đãi cao”.

Mức lương của một freelancer ở Việt Nam phụ thuộc vào công việc mà họ lựa chọn. Nếu liên quan đến biên tập và viết nội dung thì lương từ 0,5 - 2 triệu đồng/tháng, tương đương với lương một lao động phổ thông. Nếu là thiết kế đồ họa hay tạo website thì mức lương cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng. Còn nếu công việc phụ thuộc vào dự án mà họ nhận từ người chủ thì mức lương tùy thuộc vào thỏa thuận hai bên.

Nghe freelancer - Tien khong lien trach nhiem
Hình minh hoạ

Vì mức lương không đủ sống, những người làm freelancer sẵn sàng ôm nhiều việc để có thêm thu nhập nhưng không thể “ba đầu sáu tay” để giải quyết hết tất cả. Từ đó dẫn đến những sự cố đáng tiếc điển hình như: Sau khi xuất bản sách, do không có ràng buộc trách nhiệm nên những biên tập freelancer sẵn sàng phủi tay sau khi nhận đủ tiền. Những lỗi kỹ thuật trong lập trình sai khi bàn giao website…

“Thiết nghĩ, nếu nguồn freelancer được đào tạo kỹ về chuyên môn và có năng lực thật sự, ‘chất nhiều hơn lượng’ và được tuyển dụng bởi các tổ chức có uy tín, thì đây sẽ là một nguồn nhân sự khá hùng hậu cho các công ty đang cần nguồn nhân sự phù hợp. Để làm được điều này cần có một chính sách hoặc biện pháp cụ thể để quản lý và hỗ trợ các trang tuyển dụng nhằm tìm ra một đội ngũ freelancer hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, không bỏ qua những cơ hội đáng tiếc”, chị Huyền chia sẻ thêm.

Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, freelancer là người làm việc độc lập không có đơn vị quản lý trong những ngành nghề mà người làm toàn thời gian chiếm đa số. Khái niệm freelancer được tiểu thuyết gia Walter Scott đưa ra trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng Ivanhoe để mô tả những người lính đánh thuê thời trung cổ. Từ nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà thiết kế, biên dịch, phiên dịch, kinh doanh... đều có thể gọi là freelancer.

Lê Châu (Báo NTD)