Người đóng sách còn lại ở Sài Gòn

Giữa thời Facebook và báo online bùng nổ, Sài Gòn náo nhiệt vẫn còn đó một “nhà đóng sách Văn Thơ” tự hào với dòng chữ “hoạt động từ năm 1950”.

Giữ "hồn" cho sách

Nghe kể thuở sinh thời, học giả Vương Hồng Sển, nhà nghiên cứu Toan Ánh, dịch giả Nguyễn Hiến Lê và nhà văn Sơn Nam từng là khách hàng thân quen nơi đây. Một chiều cuối năm trời se lạnh, chúng tôi ghé vào nhà đóng sách Văn Thơ, trên con đường Điện Biên Phủ bây giờ xe cộ lao vun vút đến chóng cả mặt, những tiếng còi tranh đường ồn ã và chát chúa, chẳng biết cách đây 65 năm, trước khi Văn Thơ bắt đầu mở cửa, con đường trước nhà đóng sách này thế nào, có yên ả hơn bây giờ? 

Khi vừa bước vào, chúng tôi đã bắt gặp ông Thái Hữu Phước đang cặm cụi thoa keo dán gáy một xấp tạp chí Ngày Nay (do nhóm Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh khởi xướng vào đầu những năm 1940) ố vàng. Dường như ông không để ý đến sự ồn ào, náo nhiệt ngoài cửa. Ông Phước là con trai ông Thái Văn Thơ, chủ nhân nhà đóng sách mang tên mình ngày trước. Ông Thơ mất cách đây mười năm, ông Phước là người duy nhất trong 8 người con nối nghiệp cha, duy trì nhà đóng sách “65 năm cuộc đời”. “Thuở trước, nghề đóng sách thịnh lắm, nhất là vào thập niên 1950, 1960. Tôi còn nhớ hồi đó mỗi gia đình người Pháp, người khá giả ở Sài Gòn đều có một thư viện tại nhà với hàng trăm cuốn sách quý được đóng bìa cẩn thận nhằm lưu giữ lâu dài, cũng nhờ làm nghề này mà cha tôi có mối quan hệ thân thiết với những nhà văn, nhà thơ, học giả của Sài Gòn đồng thời nuôi được 8 đứa con nên người!” - ông Phước tâm sự.

người đóng sách

Ông Thái Hữu Phước

Chủ nhân nhà đóng sách Văn Thơ kể rằng cha ông học nghề đóng sách thủ công từ người Pháp. Theo ông một cuốn sách đóng hoàn hảo là phải được bọc bằng da trừu (cừu) hẳn hoi, với những đường gân nổi ở gáy, chữ mạ sắc sảo. Ngày nay, vì da trừu đắt tiền và khó kiếm, sách được bọc bằng simili tuy lòe loẹt nhưng không thể có được vẻ đẹp và màu beige như bọc bằng da trừu, ngay cả hai đường gân ở gáy cũng không còn thấy ai yêu cầu, có một vài người “chơi sách” mang cả tấm da bò đã thuộc đến bọc bìa nhưng cũng khó tìm lại... vẻ đẹp hoang sơ như những cuốn sách đóng ngày xưa.

Nở nụ cười đôn hậu và giọng chậm rãi, ông Phước chia sẻ: “Người đóng sách không có gì phải giấu nghề vì kỹ thuật dán, đóng gáy, mạ chữ chỉ cần học vài ngày là làm được. Tuy nhiên, công việc thủ công này đòi hỏi người thợ phải hết sức tận tụy và cần mẫn, phải là người quý sách, có tính kỹ lưỡng, biết giữ chữ tín với khách hàng. Một lần, có nhà sưu tập sách xưa đến Văn Thơ, trông thấy quyển Hoàng Lê Nhất Thống Chí bản đầu tiên của dịch giả Ngô Tất Tố in trên giấy bổi do NXB Mai Lĩnh ở Hà Nội ấn hành năm 1925 do tôi nhận đóng bìa cho khách, nhà sưu tập nọ hết lời nằn nì tôi bán lại với giá 15 triệu đồng nhưng tôi nhất mực chối từ! Tôi nghĩ cả Sài Gòn chắc chỉ còn độc nhất bản này mà thôi”.

Thấy sách xưa như gặp bạn tri âm

Là người nâng niu những ấn phẩm trên tay mỗi ngày, ông Phước tiếc nuối là sau biến cố 1975, ông cũng như nhiều gia đình khác tại Sài Gòn đã phải đau lòng hủy bỏ một lượng lớn những cuốn sách quý. Sự thay đổi của thời cuộc cũng khiến ngay trong nhà người đóng sách chuyên nghiệp như Văn Thơ không còn tồn tại tủ sách bề thế như trước đây. “Nhìn thấy những cuốn sách quý ngày trước, tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến như gặp lại người bạn tri âm, trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, nhiều cuốn sách quý tưởng như sẽ không còn tồn tại, phần lớn đã bong gáy, mất trang nhưng “hồn sách” thì vẫn còn đó, những trang sách bạc màu thời gian, cũ sờn, hoen ố đã song hành từ thuở “khi xưa ta bé”. Niềm vui lớn nhất của người đóng sách là mỗi ngày được tiếp đón những người yêu văn hóa đọc, đủ mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội, mỗi người một “gu” - ông Phước bùi ngùi.

Nhà đóng sách Văn Thơ với diện tích rộng rãi lại gần trung tâm thành phố, nếu cho thuê ông Phước sẽ rất thảnh thơi về mặt kinh tế so với khoản thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, nhưng ông vẫn chọn cái nghiệp đóng sách như sự chung thủy với người mình yêu. Nhìn mái đầu pha sương của ông, chúng tôi tự hỏi: “Liệu nhà đóng sách Văn Thơ sẽ còn hoạt động đến bao giờ khi mà ông Phước đã bước sang cái tuổi 73?”. Tiễn chúng tôi ra cửa, ông Phước cất giọng luyến tiếc: “Làm nghề đóng sách thú vị lắm, ngày nào mình cũng được nâng niu và “đọc ké” những tác phẩm quý hiếm, thế nhưng các con tôi chẳng ai chịu nối nghiệp, do vậy một ngày nào đó, khi tôi mắt mờ tay run, Văn Thơ cũng phải đóng cửa thôi...”.

Theo NGỌC THIỆN (CATPHCM)