Nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ món huyết heo

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận một bệnh nhân được chuyển tới từ Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu trong tình trạng lơ mơ,sốt cao, đau đầu, chóng mặt, xuất huyết ngoài da...

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận một bệnh nhân được chuyển tới từ Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, đau đầu, chóng mặt, xuất huyết ngoài da...Qua xét nghiệm các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Tuyệt đối không được ăn tiết canh và sản phẩm từ lợn bệnh. Ảnh: T.B

Chị T.T.M.H (vợ bệnh nhân) cho biết, trước đó chị đi chợ mua huyết heo (tiết lợn) đã luộc sẵn về chế biến làm món huyết xào giá đỗ và lá hẹ. Nghĩ là huyết đã chín nên khi làm món xào, chị chỉ đảo qua rồi cho rau vào. Sau khi ăn bữa trưa và bữa tối, đến nửa đêm ngày 7/9, bệnh nhân bắt đầu kêu mệt, sốt cao, li bì không thuyên giảm. Đến ngày thứ 2 các mảng xuất huyết ngoài da bắt đầu xuất hiện khắp người. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện với bệnh cảnh lơ mơ, sốt cao, đau đầu, chóng mặt, xuất huyết ngoài da...

Sau khi xác định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh) để được hỗ trợ chuyên môn sâu. Tại đây, qua các kết quả thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân đã bị sốc, nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa tạng.

Bệnh viện tiến hành hồi sức tích cực chống sốc, cho bệnh nhân sử dụng thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy, sử dụng kháng sinh mạnh, chỉ định lọc máu. Sau những nỗ lực cứu chữa của các y bác sĩ, đến nay sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn và dự kiến sẽ được xuất viện trong 1 - 2 tuần tới.

Khuyến cáo phòng bệnh liên cầu lợn

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Để chủ động phòng bệnh, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...).

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Sức khỏe & Đời sống