Những bệnh rình rập nếu bạn vẫn giữ thói quen ngủ ít

Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt cho sức khỏe của bạn. Vừa qua, thông tin ngủ ít có thể mắc ung thư là cảnh báo cần thiết để nhanh chóng thay đổi thói quen sinh hoạt của bạn.

Mới đây, một nghiên của bác sĩ Antoni Vilaseca (Tây Ban Nha) trên chuột cho thấy rối loạn giấc ngủ sẽ tạo cơ sở cho ung thư phát triển.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 24 con chuột mắc ung thư thận. Họ nhận thấy 12 con bị thay đổi nồng độ oxy hấp thụ giống với chứng thiếu oxy liên tục ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ, số lượng tiền thân mạch cùng tế bào nội mô trong các khối u thận gia tăng nhanh chóng. Những tế bào này hỗ trợ hình thành và tái tạo mạch máu nhằm vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến các mô, cơ quan. Bên cạnh đó, nhân tố sinh trưởng nội mạc trong khối u cũng xuất hiện nhiều hơn. Như vậy, về cơ bản, thiếu oxy tạo cơ hội cho khối u lấy chất dinh dưỡng để phát triển.

Trước đó, Cơ quan quốc tế nghiên cứu về bệnh ung thư (IARC) cũng chỉ ra tác nhân gây ung thư một phần do giờ làm việc (ảnh hưởng tới giấc ngủ). Phụ nữ có độ tuổi từ 30-50 phải làm việc đêm ít nhất 6 tháng có nguy cơ phát triển các khối u ở vú cao hơn những người khác. Đối với nam giới, những người phải làm việc đêm có nguy mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn những người không phải làm việc đêm.

Ngoài ra, mất ngủ cũng là nguyên nhân gây ra những bệnh sau:

nhung-benh-rinh-rap-neu-ban-van-giu-thoi-quen-ngu-it

Ảnh minh họa.

Gây thừa cân, béo phì

Nhiều người quan niệm rằng, mất ngủ sẽ khiến cơ thể gầy rộc, hốc hác. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây cho thấy mất ngủ lại là một trong những nguyên nhân gây béo phì.

Việc thiếu ngủ sẽ làm thay đổi hoạt động của não, dẫn đến việc con người cảm thấy đói hơn và làm tăng sự thèm muốn với thực phẩm nhiều chất béo, gây thừa cân cho cơ thể. Việc đảm bảo thời lượng giấc ngủ đủ, đều đặn cũng là yếu tố quan trọng trong việc điều chỉnh cân nặng, giữ cơ thể khoẻ mạnh và cân đối.

Giảm trí nhớ

Ngủ là thời gian khôi phục lại sức lực. Thiếu ngủ sẽ dẫn tới sự suy giảm hoạt động của não bộ khiến bạn sẽ bị mệt mỏi, chóng mặt, căng thẳng và không còn tập trung vào công việc. Báo cáo của các nhà khoa học cho rằng, tỉ lệ suy giảm trí nhớ ở những người có thói quen thức đêm thường cao gấp 5 lần so với những người bình thường

Gây nám da, sạm da

Thức khuya, mất ngủ ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10 – 11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như bạn thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da giảm sức đàn hồi, gây sạm da.

Tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ

Mất ngủ kéo dài gây ra những biến đổi không nhỏ cho cơ thể, và kéo đến những biến chứng nguy hiểm như nguy cơ tăng đột quỵ. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch gây viêm, tăng huyết áp và mất cân bằng lượng đường trong máu.

Gây rối loạn tiêu hoá

Thức đêm sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học của con người vì vậy rất có hại cho hệ thống tiêu hóa. Hậu quả của việc làm vào ban đêm có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, khó tiêu, đầy hơi. Những người thường xuyên làm việc về đêm dễ bị mắc u xơ ruột.

Số giờ ngủ tối ưu mỗi ngày đối với các nhóm tuổi

(Theo khuyến cáo của NSF)

- Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày.

- Trẻ từ 4-11 tháng: 12-15 giờ mỗi ngày.

- Trẻ từ 1-2 tuổi 11-14 giờ mỗi ngày.

- Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) 10-13 giờ mỗi ngày.

- Trẻ tiểu học (6-13): 9-11 giờ mỗi ngày.

- Thanh thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 giờ mỗi ngày.

- Thanh niên (18-25 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày.

- Người trưởng thành (26-64 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày.

- Người già (trên 65 tuổi): 7-8 giờ mỗi ngày.

Theo MH (Th)/Báo Gia đình & Xã hội