Nữ Ngoại trưởng Ấn Độ được dân tin yêu

Hai năm rưỡi kể từ khi đảm nhận trọng trách, bà Sushma Swaraj luôn dốc hết tâm sức vào công việc, xứng đáng với danh hiệu “Bộ trưởng quốc dân” mà người dân ưu ái dành tặng.

Trong lễ nhậm chức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 5/2014, thành viên nội các được chú ý nhất là nữ Ngoại trưởng đầu tiên Sushma Swaraj. Hai năm rưỡi kể từ khi đảm nhận trọng trách, bà Sushma Swaraj luôn dốc hết tâm sức vào công việc, xứng đáng với danh hiệu “Bộ trưởng quốc dân” mà người dân ưu ái dành tặng.

Những ngày này, người dân Ấn Độ đang tập trung dõi theo thông tin về sức khỏe của Ngoại trưởng Sushma Swaraj. Hàng chục người còn tha thiết xin hiến thận để giúp bà vượt qua cơn bệnh. Tin yêu, kính phục và chia sẻ - là cách người dân Ấn Độ đáp lại tấm lòng của nữ chính trị gia luôn vun đắp cho lợi ích của người dân.

Ở Ấn Độ, thông thường các quan chức luôn giấu kín vấn đề sức khỏe cá nhân, bí mật chọn một trung tâm y tế tư để điều trị khi có vấn đề. Họ không muốn bị đối thủ xoáy vào chuyện này để hạ bệ mình.

'Nữ Ngoại trưởng Ấn Độ được dân tin yêu
Người dân Ấn Độ ưu ái gọi bà Sushma Swaraj là “Bộ trưởng quốc dân” ẢNH: FREEVISUALS4U

Bà Sushma Swaraj là một trong rất ít trường hợp dám công khai tình trạng sức khỏe của mình. Trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, nữ ngoại trưởng không ngại chia sẻ mình bị suy thận, đang chờ ghép thận tại Viện Khoa học y tế Ấn Độ (AIIMS). Lập tức, hàng ngàn người đã bày tỏ sự lo lắng, động viên tinh thần vị lãnh đạo họ yêu quý.

Chia sẻ công khai, minh bạch là tác phong quen thuộc của bà Sushma. Trên tất cả, đó là cách bà thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với đất nước và nhân dân. Trên trang Twitter, bà Sushma không bao giờ chỉ trích bất kỳ chính trị gia nào mà dùng như là một kênh làm việc… ngoài giờ. Bà tận dụng thời gian hồi đáp thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính ngoại giao.

Trước khi nhập viện điều trị, bà còn tranh thủ giúp một nữ công dân Kazakhstan gia hạn thị thực để được ở lại lâu hơn với người chồng Ấn Độ. Bà Sushma tâm niệm, giúp được người nào trong thẩm quyền của mình là bà luôn hết lòng, không bao giờ phân định đâu là việc nhỏ, việc lớn, chỉ cần biết đó có phải việc cần làm hay không.

Trang Twitter của Ngoại trưởng Sushma Swaraj còn được ví là “đường dây nóng”, sẵn sàng ứng cứu công dân Ấn Độ gặp tình huống không mong muốn. Một nữ công dân Ấn Độ mất hộ chiếu và tiền bạc khi du lịch ở Berlin (Đức) đã gửi lời kêu cứu đến bà Sushma, lập tức cô nhận phản hồi của ngoại trưởng giúp cô thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.

Hay trường hợp 168 công dân Ấn Độ mắc kẹt ở Iraq vì gặp vấn đề ngoại giao, đã được sớm bố trí về nước nhờ Ngoại trưởng Sushma lên tiếng, buộc cơ quan chức năng nhanh chóng hỗ trợ. Ngoại trưởng Sushma không bỏ qua bất kỳ ai hay việc gì. Tấm lòng của nữ chính trị gia này là thế, luôn cố gắng thấu hiểu người khác vì với bà, ai gặp khó khăn cũng cần một bàn tay chìa ra giúp đỡ.

Là gương mặt nữ hiếm hoi đi theo con đường chính trị, bà Sushma ngay từ những ngày đầu dấn thân đã làm mọi việc bằng tất cả tâm sức và lòng nhiệt huyết. Năm 25 tuổi, bà là thành viên nội các trẻ nhất của bang Haryana. Không ngừng phấn đấu, đến năm 1998, bà đảm nhiệm vị trí gai góc Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó là Bộ trưởng Y tế-phúc lợigia đình.

Bà thâm nhập từng ngóc ngách chính trường, soi bản thân mình vào hình ảnh người cha, cũng từng là một chính trị gia tâm huyết với Đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS). Chuyên nghiệp, chính trực trong công việc nhưng khi xuất hiện trước công chúng, bà Sushma luôn toát lên phong thái gần gũi, thân thiện.

Bà Sushma may mắn có một người bạn đời tài năng, ông Swaraj Kaushal, từng là Thủ hiến bang Mizoram ở tuổi 37, cũng là người cùng bà vun đắp hoài bão cống hiến cho nhân dân.

Theo Phunuonline (T/H)