Phát hiện và xử lý 40.176 lít rượu không rõ nguồn gốc trong tháng 3

Bộ Công Thương vừa có kết quả kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 02 của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành ngày 14/3/2017.

Sau 2 tuần triển khai, hầu hết các Sở Công thương đều đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn và tiến hành xử phạt các cơ sở sản xuất vi phạm.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương tổ chức triển khai tổng kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn thành phố với 689 đoàn kiểm tra, trong đó: 45 đoàn tuyến thành phố, 60 đoàn liên ngành tuyến quận, huyện, thị xã và 584 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn trong thời gian từ 17/3 đến 15/4.

Phát hiện và xử lý 40.176 lít rượu không rõ nguồn gốc trong tháng 3

Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở sản xuất rượu.

Tại Bắc Ninh, Sở Công Thương Bắc Ninh cũng phối hợp với Phòng kinh tế, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề sản xuất rượu thủ công tại những địa bàn tập trung nhiều hộ sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ.

Tại Sơn La, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 16/3/2017 kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn Sơn La từ 20/3 đến 20/6/2017…

Kết quả, chỉ tính riêng từ ngày 1- 27/3, Chi cục Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM) đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu và 59 vỏ chai rượu.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, qua rà soát, kiểm tra, một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cũng cho thấy còn một số khó khăn tồn tại như đa số các hộ dân sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ dân nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập là chủ yếu nên không chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, đồng thời việc sản xuất diễn ra không thường xuyên. Do đó công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.

Tại địa phương do chưa được bố trí nguồn ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm nên công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc lấy mẫu test nhanh hàm lượng methanol có trong rượu chưa được thực hiện đầy đủ.

Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu chưa chấp hành nghiêm túc về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu;

Đối với công tác quản lý, tại địa phương thiếu cán bộ chuyên trách nên việc hướng dẫn, vận động cơ sở chưa được thường xuyên, thiếu sâu sát. Trong khi đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chủ yếu nhỏ lẻ, phân bố rải rác.

Theo TTTĐ