Phòng chống hàng gian, hàng giả cuộc chiến chưa có hồi kết

Ngày 25/5, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp. Tại buổi hội thảo, vấn đề phòng chống hàng gian, hàng giả đã thu hút nhiều sự quan tâm.

phong-chong-hang-gian-hang-gia

Công tác phòng chống hàng gian, hàng giả rất khó khăn

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong năm 2015 vừa qua, hoạt động kiểm tra và xử phạt hàng giả, hàng nhái đã ghi nhận được những kết quả nhất định. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 38.000 vụ, phát hiện trên 25.000 vụ vi phạm, xử phạt trên 68 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 536 tỷ đồng.

Tuy đạt được những kết quả như vậy, nhưng ông Tín cũng cho rằng, công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.

Trong đó, kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn.

Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, do các phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, trà trộn với các khu dân cư, các làng nghề, vùng nông thôn, các khu công nghiệp nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho lực lượng thực thi.

Đồng tình vẫn quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra tràn lan, nhức nhối, phức tạp và tinh vi. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các địa phương.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải quan tâm xem doanh nghiệp đã ý thức và đầu tư đúng mức độ vào công tác chống hàng giả, quyền xâm phạm sở hữu trí tuệ hay chưa? Doanh nghiệp đã đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác chống hàng giả? Sự phối hợp với các đơn vị thực thi đã thực sự hiệu quả? Đó là những vấn đề cần bàn tới”.

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Chia sẻ về tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay, ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, gây nên nhiều vấn đề bức xúc.

Theo ông Trực, hiện nay cứ 7 vụ phát hiện thì chỉ có 1 vụ khởi tố. Bởi, để khởi tố điều tra tuy tố là cực kỳ khó khăn. Hiện có quá nhiều văn bản hướng dẫn nhưng lại chồng chéo, nên khi muốn khởi tố phải trích dẫn rất nhiều văn bản.

Trước tình trạng này, ông Trực cho rằng, các Bộ, ngành, với trách nhiệm của mình trước nhân dân hãy vào cuộc từ việc xây dựng văn bản quản lý pháp luật hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị chức năng khác để không mất nhiều thời gian vào việc phân biệt, xử lý và chuyển xử lý các vụ việc sang các đơn vị chuyên trách. “Trong thời gian tới hy vọng mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực thi sẽ tốt hơn”, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. “Nếu nói có nhiều vấn đề đặt ra về vi phạm pháp luật, văn bản pháp luật không đồng bộ, chồng chéo lên nhau là hoàn toàn chuẩn xác. Doanh nghiệp phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu thì đất nước mới phát triển được”, ông Bảo nói.

Đưa ra giải pháp về bảo vệ hàng giả, hàng nhái, ông Bảo cho rằng, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực thi chống lại vấn nạn hàng giả hàng nhái, xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên ủng hộ các lực lượng thực thi trong vấn đề này.

“Cuộc đấu tranh này nếu không có lực lượng quản lý thị trường thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hàng giả sẽ tràn vào gấp mấy lần hiện nay. Tuy nhiên, các lực lượng thực thi cần chống cho được hiện tượng tiêu cực. Hiệp hội mong rằng các lực lượng thực thi cần trao lòng tin cho doanh nghiệp thì cuộc đấu tranh này nhất định sẽ thắng lợi”, ông Bảo chia sẻ.

Theo Tùng Soa (Tiêu dùng 24g)