Rước bệnh từ những phụ gia được phép dùng

Dù ngành thực phẩm quy định hàm lượng nhất định các chất có trong một sản phẩm, nhưng lại không quy định trong một sản phẩm được có tối đa bao nhiêu chất.

Ít ai khi chọn mua thực phẩm chế biến (mì ăn liền, xúc xích, cháo ăn liền, cà phê...) dành thời gian kiểm tra các loại phụ gia có trong những sản phẩm (SP) này. Nếu kiểm tra, chắc chắn không khỏi giật mình vì danh sách các chất phụ gia dài dằng dặc.

Chẳng hạn, phần vắt mì và các gói gia vị của mì ăn liền H. có hàng chục loại phụ gia trùng lặp. Trong vắt mì, ngoài tinh bột, đường, muối, có chất chống hư hỏng, chất tạo ngọt, chất chống đông vón... Cụ thể, có shortening, một loại chất béo dạng rắn được sản xuất từ dầu thực vật, có tác dụng tăng nhiệt lượng, tăng vị ngọt và giữ thức ăn lâu bị hư; chất điều vị có mononatri glutamate (621) là một dạng bột ngọt; chất ổn định có pentanatri triphosphat (451i), kali cacbonat 501i, loại chất điều chỉnh độ axít, ổn định thành phần...

Trong các gói gia vị kèm theo cũng có từng đó các chất cùng tính năng chống hư thối, chống oxy hóa hay điều vị... Dù ngành thực phẩm quy định hàm lượng nhất định các chất có trong một SP, nhưng lại không quy định trong một SP có tối đa bao nhiêu chất.

Rước bệnh từ những phụ gia được phép dùng
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Các nhà sản xuất tha hồ đưa thêm chất có tác dụng tương tự mà không sợ phạm luật. Nhiều chất khi đối chiếu với các tài liệu khoa học thì thấy chúng đều nằm trong danh mục được khuyến cáo tránh dùng. Ngay cả những SP ăn liền dành cho trẻ nhỏ, các loại chất này vẫn dày đặc.

Chẳng hạn, SP cháo thịt bằm K. được giới thiệu là bổ sung canxi, vitamin D... nhưng thành phần nguyên liệu đầy rẫy các chất chống hỏng, chất siêu bột ngọt (disodium guanglate 627, disodium inosinate 631). Cả những chất được khuyến cáo trẻ em dưới 12 tháng tuổi tránh dùng như disodium succinate 364ii cũng xuất hiện...

Tình trạng lạm dụng các chất này còn phổ biến trong các SP cà phê, giò chả... Điều này giải thích vì sao các SP giò chả, cá viên... bày bán ngoài chợ, dưới trời nắng mưa mà không hề có nhớt hay mất mùi, thiu thối.

BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho hay, dù có ngưỡng giới hạn đối với các loại phụ gia, hóa chất dùng trong thực phẩm nhưng ở Việt Nam chưa có điều khoản quy định một loại thực phẩm có bao nhiêu chất phụ gia, hàm lượng tổng cộng các loại phụ gia trong đó là bao nhiêu.

Ví dụ, một SP chả lụa dùng chất phụ gia A chống nhiễm khuẩn chẳng hạn là 10g, nếu cho 10,1g thì không được. Nhưng thêm phụ gia B cùng tác dụng diệt khuẩn cũng cho phép 10g, rồi phụ gia C cũng có tác dụng và trọng lượng tương tự . Cộng cả ba loại thà nh 30g. Từ chỗ 10,1g cho một chất là phạm luật, đã để cho tới 30g cùng tác dụng mà không phạm luật, là một lỗ hổng lớn.

BS Trần Văn Ký nhận định, với ngành thực phẩm, chỉ cần một SP lỗi, thối, nhà sản xuất có thể phá sản, nên họ cho nhiều loại phối hợp cùng tác dụng vào để diệt khuẩn, tránh rủi ro cho SP. Vì thế bánh Trung thu để hai năm không hỏng, trái cây mấy tháng không hư.

Trên thế giới, nhà sản xuất bị hạn chế tối đa phụ gia, và thường yêu cầu giữ bằng được tự nhiên cho SP tươi sống. Ở Việt Nam làm được điều này vô cùng khó khăn. Rất nhiều nhà sản xuất dùng phụ gia để giảm chi phí thay vì các phương pháp bảo quản khác như bảo quản lạnh hay sử dụng các thiết bị tối tân.

Theo BS Ký, phụ gia thực phẩm là những chất không có năng lượng, không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào cho con người. Phụ gia được phép cho vào thực phẩm đúng pháp luật để đạt được mục đích là có màu, mùi hay vị (dai, giòn, dẻo)… Trong một loại thực phẩm chế biến trên thị trường hiện nay bình quân có sáu-bảy loại phụ gia, thậm chí có hơn 20 loại phụ gia.

Một gói bột nêm có bao nhiêu thành phần thì bấy nhiêu loại phụ gia, chất dinh dưỡng trong đó không đáng kể. “Cà phê chúng ta uống hiện nay dùng hương liệu, các chất tạo vị đặc sánh, đậm… có đến hàng chục loại phụ gia, chưa kể hạt bắp, hạt đậu rang cháy độn vào. Rồi trong chả giò, chả lụa có bao nhiêu phụ gia? Rất nhiều”, BS Ký nói.

Lỗ hổng chất phụ gia đến từ chỗ , một loại phụ gia có một nước trên thế giới sử dụng và có giấy được phép sử dụng thì Việt Nam cho dùng. Hoặc ở các nước, một phụ gia nếu chưa chứng minh được độ an toàn sẽ chưa cho dùng, còn Việt Nam thì cho dùng.

Điều này giải thích vì sao có những SP từ các nước chỉ sản xuất ra để xuất khẩu cho Việt Nam. Ở các nước châu Âu, bột nêm không được phép có phụ gia, còn Việt Nam có tới hàng chục phụ gia. Bệnh ung thư có thể từ những chất được phép sử dụng chứ chưa nói đến chất bị cấm sử dụng.

Theo Thư Hùng/phunuonline