Sự khác nhau của 2 người vợ có chồng cùng bị phá sản

Cùng rơi vào cảnh chồng phá sản, nhưng trong khi Linh mạnh mẽ trở thành chỗ dựa tinh thần động viên chồng vượt qua khó khăn, thì Thủy chỉ biết than khóc và không ngừng trách móc chồng bất tài để vợ con phải chịu khổ...

Sự khác nhau của 2 người vợ có chồng cùng bị phá sản

Ảnh minh họa

Tháng ngày bình yên

Thủy và Linh là đôi bạn thân từ thời đồng ấu. Hai chị đều là con nhà khá giả, đều được cưng chiều, đều xinh đẹp nên thời thiếu nữ, đi đến đâu hai chị cũng đều được xem là hai tiểu thư cành vàng lá ngọc. Học xong đại học, cả hai cùng tìm được công việc ổn định với mức lương khá.

Đến tuổi lấy chồng, cả hai đều chọn được tấm chồng giỏi kinh doanh nên đời sống kinh tế rất khá giả. Nhìn vào gia đình hai chị, ai cũng phải trầm trồ khen đôi bạn này thật tốt số.

Công nhận là Thủy và Linh lấy được chồng tốt thật. Chồng Thủy kinh doanh bất động sản, công việc làm ăn rất thuận lợi. Tiền chi tiêu hàng tháng Thủy không cần phải lo, ưng gì chị cứ mua nấy, mọi chi tiêu hàng đã có chồng lo.

Cứ đầu mỗi tháng anh ấy lại mang cọc tiền to về đưa cho vợ đều như vắt chanh mà không bao giờ hoạch họe việc chi tiêu của vợ như thế nào. Vì vậy, hơn 10 năm làm ở phòng hành chính công ty, chị Thủy vẫn an nhiên ngồi ghế nhân viên. Đối với Thủy, đi làm chỉ để cho vui, cho có bạn tám chuyện chứ chị không màng đến lương lậu hay được thăng tiến.

Linh cũng không kém may mắn khi kết hôn với người chồng làm chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe máy. Linh cũng nhờ chồng mà có cuộc sống an nhàn, không phải lo về kinh tế.

Nhưng vốn tính cần cù chịu khó, dù vẫn quán xuyến chuyện nhà cửa gọn ghẽ, Linh vẫn không ngừng cố gắng phấn đấu trong công việc. Sau hơn chục năm đi làm nghiêm túc, Linh đã được bổ nhiệm ghế kế toán trưởng của một công ty xây dựng. Tiền lương và tiền chồng đưa tiêu dùng hàng tháng không hết chị đều cho cả vào tài khoản cá nhân xem như của để dành.

Khi bình yên bị đảo lộn

Nhưng đó là câu chuyện của hai năm về trước. Đầu năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế kéo đến, nhiều doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong đó có cả doanh nghiệp của chồng Thủy và chồng Linh.

Thị trường bất động sản đóng băng, chồng Thủy không thể xoay được vốn ngân hàng cho các dự án đang chạy. Để có tiền làm vốn lưu động, anh phải đem cả sổ đỏ nhà đi thế chấp, vay thêm bạn bè, người thân với hy vọng khủng hoảng nhanh chóng trôi qua như đợt năm 2008. Nhưng không ai học được chữ ngờ. Cuộc khủng hoảng lần này kéo dài suốt 2 năm mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Tiền vay mượn của chồng Thủy để duy trì hoạt động cho công ty cứ như muối bỏ bể. Các vụ làm ăn thất bại, chồng Thủy trở thành kẻ trắng tay, nói đúng hơn là dưới cả mức trắng tay. Hai vợ chồng mất nhà và toàn bộ vốn liếng đã dành dụm được bao năm trời cùng với khoản nợ kếch xù. Vốn yếu đuối, lại chưa bao giờ phải lo nghĩ đến việc chi tiêu chi li, đong đếm nên giờ Thủy như cá mắc cạn.

Với khoản tiền lương ít ỏi hằng tháng chị vô cùng khổ sở trong việc trả tiền thuê nhà, đóng học phí cho con, tiền điện nước chợ búa… Tình cảnh đó khiến Thủy bị sốc nặng và tỏ rõ thái độ thất vọng về chồng. Không thấy mặt chồng thì thôi, hễ thấy mặt chồng là Thủy lại mặt nặng mày nhẹ, mỉa mai, dè bĩu khiến anh nổi điên và càng đâm chán nản.

Quá bế tắc, chồng Thủy trở nên bất cần đời và rất ít ở nhà. Tình cảnh cứ thế rồi cũng đến ngày chồng Thủy gần như chẳng thèm về nhà nữa. Thủy nghe phong phanh rằng chồng mình đang cặp kè với một phụ nữ hơn anh mấy tuổi. Đến nước này thì ngoài khóc lóc, Thủy còn thêm tật than thở đổ tội ông trời bạc đãi với mình.

Thời khủng hoảng, chuyện kinh doanh của chồng Linh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tứ bề nợ vây. Nhưng trong gần 20 năm làm nghề kế toán, chị Linh không ít lần chứng kiến các giám đốc doanh nghiệp bạn lâm vào cảnh phá sản, vì vậy chị rất thông cảm với sự sa cơ của chồng.

Từ ngày kinh tế gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, chị chẳng những không trách móc chồng nữa lời mà còn ra sức động viên, an ủi mỗi khi thấy anh buồn phiền rằng: “sông có khúc, người có lúc”.

Đối diện với cảnh nhà túng bấn, lúc đầu chị Linh cũng rối trí, nhưng sau bình tâm lại chị buộc mình phải quen dần. Một điều may mắn cho gia đình chị Linh là vẫn còn khoản tiết kiệm riêng kha khá nên vợ chồng chị vẫn giữ được cái nhà để ở.

Ngoài giờ làm ở công ty, chị bắt đầu nhận làm thêm sổ sách giấy tờ cho mấy công ty nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Nhân lúc chồng chưa tìm được việc, chị kéo anh vào cùng làm gọi là cho vui.

Sự cứng cỏi của chị Linh đã khiến các con chị cũng trở nên có trách nhiệm. Cô con gái 16 tuổi vì thương cha mẹ mà trở nên chững chạc. Nhà không còn người giúp việc thì cô bé giúp mẹ quét dọn, giặt đồ, rửa bát… một cách rất ư là tự nguyện.

Cậu con trai nhỏ đang học lớp 7 cũng ngoan ngoãn và tự giác làm việc vặt hơn trước rất nhiều. Chưa bao giờ các thành viên trong gia đình chị Linh lại đồng tâm hiệp lực như lúc này. Thấy vợ và các con như thế, chồng chị Linh có muốn buông xuôi cũng không dám. Anh nhanh chóng lấy lại tinh thần và đi tìm việc mới.

Theo Sức khỏe Gia đình/PNN