Thực hư các gói cam kết lợi nhuận tại dự án bất động sản

Thời gian gần đây, chủ đầu tư bất động sản liên tục tung ra những gói cam kết lợi nhuận tăng từ 10-12%, thậm chí 20% từ 1-2 năm. Liệu đây có phải là xu hướng thời gian tới, thực hư hình thức này là gì?

Thực hư các gói cam kết lợi nhuận tại dự án bất động sản

Phối cảnh dự án Khu đô thị phố biển Marine City tại Cửa Lấp - Vũng Tàu, được Chủ đầu tư đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận tăng thêm lên đến 12% dành cho khách hàng.

Ngày 10/10/2015, CTCP Sàn giao dịch BĐS Hưng Hưng Thịnh phối hợp với Chủ đầu tư Công ty TNHH Xây Dựng Nam Hải sẽ chính thức giới thiệu và công bố mở bán dự án Khu đô thị phố biển Marine City tại Cửa Lấp - Vũng Tàu. Chủ đầu tư đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận tăng thêm lên đến 12% dành cho nhà đầu tư. Chính sách này gần như chưa có tiền lệ trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà phố, đất nền trong khu đô thị. Ngày 27-9 trong lần mở bán thứ 2, khách hàng mua đất nền dự án Sakura Valley (Đồng Nai) cũng được chủ đầu tư LDG Group cam kết lợi nhuận 60 triệu đồng/năm.

Trước đó, đình đám nhất phải kể đến dự án Arista Villas (Thủ Đức) sau 2 năm chủ đầu tư CTCP Đầu tư bất động sản Đông Sài Gòn sẽ mua lại sản phẩm với giá trị tăng ít nhất 20%. Hay dự án The Park Residence (huyện Nhà Bè), tên cũ là Phú Hoàng Anh giai đoạn 2 do CTCP Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư, M.I.K Corporation được biết tới là đơn vị phát triển dự án cũng cam kết mức lợi nhuận 200 triệu đồng một năm.

Lý giải về cam kết lợi nhuận tăng thêm tại dự án Khu đô thị phố biển Marine City, bà Phan Thị Bích Trâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Sàn giao dịch BĐS Hưng Hưng Thịnh, chia sẻ: “Bà Rịa - Vũng Tàu đang được hưởng lợi lớn từ cơ sở hạ tầng được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ. Đây là động lực lớn thúc đẩy kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu tương xứng với tiềm năng của tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam. Những lợi thế đó cùng với vị trí chiến lược của Marine City, vừa gần khu dân cư hiện hữu mở rộng vừa cạnh các tuyến giao thông trọng điểm, chúng tôi hoàn toàn tự tin đây sẽ là sản phẩm đầu tư tốt và là cơ hội cho người dân trong khu vực tìm được chỗ an cư hiện đại”.

“Thị trường bất động sản Vũng Tàu còn khá sơ khai, nguồn cung khan hiếm và tiềm năng rất lớn. Do vậy, với 1 dự án trọng điểm có nhiều lợi thế và thu hút sự quan tâm từ khách hàng trong và ngoài nước như Khu đô thị phố biển Marine City, chúng tôi hoàn toàn tự tin và chứng minh cho khách hàng thấy tiềm năng của dự án bằng cam kết lợi nhuận tăng thêm lên đến 12%”, bà Trâm khẳng định.

Trao đổi với Báo Người tiêu dùng về bài toán cam kết lợi nhuận đang được áp dụng tại một số dự án bất động sản, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng: “Lợi nhuận mà tăng 20% tôi khẳng định không có”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nhân, việc cam kết tăng lợi nhuận sau 1, 2 năm cũng có thể là hình thức giảm giá gián tiếp của chủ đầu tư. Có nghĩa là thay vì lúc mua các chủ đầu tư giảm giá cho khách hàng một cục tiền 12, 15% thì người ta cam kết lợi nhuận sau 1, 2 năm tăng, vừa tạo được tính hấp dẫn cho dự án lại kích thích tâm lý người mua.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng: “Các chủ đầu tư cam kết lợi nhuận là một hình thức kích thích mua hàng thôi, nói thẳng ra khi dự án hoàn thành đã bán hết thì chủ đầu tư lúc đó đã hết trách nhiệm rồi. Lúc này mà có cam kết lợi nhuận thì người ta cũng chỉ tính toán trên cơ sở thị trường, nếu tính toán không kỹ thì chủ đầu tư sẽ bị lỗ”.

Theo ông Quang, đối với khách hàng nếu gặp chủ đầu tư không uy tín, sau 2 năm người ta không thực hiện thì cũng khó làm gì được chủ đầu tư vì đây một sự ràng buộc vô tình chứ không chặt chẽ. Việc cam kết lợi nhuận cũng chỉ mang tính hình thức và trên lý thuyết thôi chứ khó có chủ đầu tư nào tính toán đúng được sau 1, 2 năm cả.

Trong khi đó, nhìn nhận hình thức cam kết lợi nhuận, ông Nguyễn Văn Đực lo ngại, không thể biết được sau 1, 2 năm chủ đầu tư có thực hiện được cam kết lợi nhuận 10, 12% như đã hứa không?. Trường hợp, nếu tình hình tài chính chủ đầu tư tốt vì thương hiệu họ có thể phải “cắn răng buộc bụng” để trả 10 -15%/năm. Nhưng nếu, tình hình tài chính bất ổn thì lấy đâu ra tiền mà trả cho khách hàng?

“Tôi ví dụ, Petrovietnam Landmark (Q.2) người ta mua từ khi sinh, con đi học vẫn chưa nhận được nhà, chủ đầu tư không thể hoàn thành dự án, ta thấy chuyện không có nhà là chuyện đã xảy ra, huống gì bây giờ có nhà mà lại được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 10%/năm nữa thì là chuyện không bao giờ có”, ông Đực nói.

Mặc dù vậy, theo nhận định chung của các chuyên gia bất động sản, việc chủ đầu tư chấp nhận “rủi ro” cam kết lợi nhuận để kích cầu sức mua là điều tốt cho thị trường. Và những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực, họ có thể đánh giá thị trường tương lai chính xác, những cam kết về lợi nhuận trong tương lai họ đưa ra là điều hoàn toàn có thể. Ngoài ra, những gói cam kết có cơ sở ràng buộc chặt chẽ từ các chủ đầu tư thì khách hàng vẫn có thể yên tâm để đầu tư tại những dự án này.

 Theo Vũ Sơn (NTD)