Thực phẩm mất an toàn lấn át: Vì thói quen tiêu dùng

 (Dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo, nhưng vì mua sắm nhanh chóng và thuận tiện, giờ giấc họp chợ linh hoạt khiến nhiều người tiêu dùng quen mua thịt ở chợ cóc, chợ tạm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đáng nói là loại hình chợ này có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, trong khi đa số người dân chưa quen với thực phẩm sạch bán tại các cửa hàng, siêu thị.

Thực phẩm mất an toàn lấn át: Vì thói quen tiêu dùng

Người dân vẫn có thói quen mua hàng ở chợ cóc, chợ tạm. Ảnh: Thái Hiền

Nhanh chóng, thuận tiện?

Ông Đào Thế Anh, Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho biết, tiêu thụ thịt bán tại chợ cóc, chợ tạm hiện chiếm hơn 90% thị trường. Phần lớn người tiêu dùng chọn mua gia cầm sống được giết mổ ngay tại chợ cóc, chợ tạm.

Thực trạng này không những tạo điều kiện thuận lợi cho thực phẩm kém chất lượng tiêu thụ với số lượng lớn, trong khi thịt sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán tại các cửa hàng, siêu thị vẫn khó tiêu thụ. Đơn cử như sản phẩm thịt của Công ty cổ phần CP, dù chiếm 5% thị phần thịt lợn và 30% thị phần thịt gà tại Việt Nam, nhưng sản phẩm của công ty tiêu thụ thông qua siêu thị, cửa hàng vẫn chiếm số lượng nhỏ, còn qua các kênh phân phối hiện đại vẫn khó tiếp cận…

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do việc mua sắm ở chợ cóc, chợ tạm rất nhanh chóng và thuận tiện. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng tới kinh doanh của các cửa hàng bán nông sản sạch.

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán thực phẩm nông sản sạch Bác Tôm cho biết, công ty có 16 cửa hàng chuyên bán nông sản, thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1-2 tấn thịt lợn và gà. Điều đáng chú ý là chuỗi cửa hàng chỉ tiêu thụ thịt lợn tươi sống và bán ngay tại chỗ, còn gia cầm nhốt sống trong lồng nếu người tiêu dùng có nhu cầu mua sẽ giết mổ. Dù biết việc bày bán như vậy chưa bảo đảm ATVSTP, song do thói quen tiêu dùng của người dân nên chiều lòng khách hàng.

Trái với không khí ảm đạm trong các cửa hàng, siêu thị cung cấp nông sản sạch, thương lái bán thịt tại chợ cóc, chợ tạm đang "sống khỏe", tấp nập kẻ bán, người mua. Chị Nguyễn Thị Thịnh, tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho biết, trung bình một buổi sáng bán khoảng 70-90kg thịt lợn, sản phẩm đều lấy từ cơ sở giết mổ ở huyện Ứng Hòa. Việc các chợ nhỏ tiêu thụ thịt lợn với số lượng lớn như hiện nay do thói quen tiêu dùng của người dân.

Chị Bùi Thị Bích Thủy ở Hà Đông cho biết, hằng ngày vẫn mua thịt ở chợ gần nhà về chế biến hoặc mua gia cầm giết mổ ngay ở chợ. "Việc vào siêu thị, cửa hàng sẽ mất nhiều thời gian, còn về độ an toàn của thực phẩm tôi thấy không khác nhiều so với chợ tạm. Hơn nữa, tôi chủ yếu mua hàng của người quen nên khá yên tâm" - chị Thủy cho biết thêm.

Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng

Để bảo đảm chỗ đứng cho tiêu thụ thịt sạch trên thị trường, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức của mỗi người đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, ATVSTP…

Theo ông Vân, xu hướng người tiêu dùng đang dần chuyển hướng sang sử dụng thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh thực phẩm an toàn. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng cần cam kết bảo đảm về chất lượng sản phẩm.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội) đề xuất, Nhà nước nên hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, thuê mặt bằng cho các công ty kinh doanh thực phẩm an toàn. Chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những quầy bán thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, tịch thu và tiêu hủy theo quy định. Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm, không dùng loại thịt bày bán tại chợ cóc, chợ tạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, để khuyến khích sử dụng thực phẩm an toàn, nhiều siêu thị đã đầu tư quầy chế biến thịt, có ngăn mát bảo quản, thường xuyên mở các đợt khuyến mãi giảm giá và đa dạng hóa sản phẩm để kích cầu tiêu dùng... 


 Theo Ngọc Quỳnh (Hà Nội Mới)