Thuế ô tô: Ma trận bất ổn

Hàng chục loại thuế, phí liên quan đến kinh doanh và sở hữu ô tô, cùng với đó là những chính sách thay đổi một cách chóng mặt.

Doanh nghiệp trong ma trận thuế ô tô

Đối với ôtô đầu tiên phải chịu thuế nhập khẩu cho linh kiện (10-30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50 đến 70%) tùy loại, và tùy theo nguồn gốc nhập khẩu. Tiếp đó là thuế tiêu thụ đặc biệt 40-60%, tùy theo dung tích xe. Ôtô cũng là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ôtô cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 22%, nếu không phải là trường hợp đặc biệt như đầu tư mới hay ở những vùng đặc biệt khó khăn, sử dụng trên 6.000 lao động thường xuyên. Ngoài ra, còn có thuế thu nhập cá nhân cho người lao động tại các công ty ôtô.

Ô tô nằm trong vòng vây của các loại thuế, phí

Sau khi được bán ra thị trường, ôtô du lịch sẽ chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo thành phố. Các loại ôtô khác cũng phải chịu 2% lệ phí trước bạ khi muốn đăng ký.

Để được cấp biển số, ôtô dưới 10 chỗ phải nộp từ 2 đến 20 triệu đồng nếu ở Hà Nội hoặc TP HCM. Tại các địa phương khác, ôtô cũng phải chịu từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi xe, tùy theo khu vực sinh sống.

Muốn lăn bánh trên đường, ôtô còn phải chịu phí kiểm định với mức 240.000-560.000 đồng một lần kiểm định. Bên cạnh đó là lệ phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật có mức 50.000-100.000 đồng một lần.

Đặc biệt, mới đây, ôtô cũng phải nộp phí sử dụng đường bộ được thu theo năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ôtô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 đồng đến 1.430.000 đồng một tháng tùy theo tải trọng xe.

Trong liệt kê của Bộ Tài chính còn có tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mà dự án sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô thuộc diện hưởng ưu đãi miễn, giảm và thuế môn bài cho các cơ sở kinh doanh ôtô có doanh thu khiêm tốn.

Chính sách thay đổi liên tục

Vài năm qua, các mức thuế nhập khẩu, phí trước bạ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí xây dựng cơ sở hạ tầng v.v… liên tục thay đổi. “Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho thị trường ôtô hầu như không tăng trưởng trong 3 năm vừa qua”.

Không ít doanh nghiệp ôtô còn cho rằng mình bị ảnh hưởng lớn, thậm chí bị tụt hậu vì sự “thay đổi liên tục” này. Khi đối thoại với cơ quan thuế, tổng giám đốc một hãng ôtô của Mỹ phân phối tại Việt Nam còn nói thẳng, sự bất nhất này là nguyên nhân chính kinh doanh ô tô ở Việt Nam khó có tính lâu bền.

Năm 2007 và 2008 được coi là đỉnh cao của sự bất ổn thuế. Riêng 2007, thuế nhập khẩu khẩu xe mới giảm từ 90% xuống 80% rồi 70% và cuối cùng là 60%. Sang 2008, với mục tiêu "giảm ách tắc giao thông", chỉ trong 4 tháng thuế tăng lại thành 70% và 83%. Một tốc độ thay đổi mà gần như không quốc gia nào có, theo nhận định của giới chuyên gia. Không chỉ thuế, thị trường ôtô Việt Nam còn liên tục bị ảnh hưởng bởi chính sách phí. Trong 2012, việc tăng lệ phí trước bạ lên 15-20%, đã khiến cho thị trường ô tô sụt giảm doanh số tới 33% so với 2011.

PV (NTD)