Tin nhắn bất động sản tiếp tục tấn công người tiêu dùng

Không chỉ là những tin nhắn rác qua thuê bao di động, trên website...thời gian gần đây, người tiêu dùng tiếp tục chịu khủng bố từ những "cò" buôn bất động sản qua tài khoản cá nhân trên facebook.

Tin nhắn bất động sản tấn công điện thoại di động

Hàng ngày, Anh T.Vũ (Nhân viên văn phòng) nhận được rất nhiều tin nhắn trên điện thoại di động, từ các loại tin nhắn lừa đảo trúng thưởng cho tới tin nhắn chào mời mua các dự án bất động sản. Đặc biệt thời gian gần đây, anh Vũ có ngày nhận được gần chục tin nhắn rao bán nhà, chung cư, căn hộ cao cấp xuất hiện dồn dập từ các thuê bao của Viettel, vinaphone... 

Chúng tôi còn nhận được nhiều phàn nàn của bạn bè, người thân về tình trạng buộc phải nhận tin nhắn rác kiểu như vậy. Họ đồng loạt nhận tin giống hệt nhau cùng một thời điểm. Những nội dung hầu hết như: “Chỉ 1,2 tỷ (TT 10 đợt) sở hữu ngay căn hộ cao cấp cách hồ Hoàn Kiếm 6km, nằm trong quần thể 70ha với đầy đủ tiện ích. Gọi ngay 096888xxxx”; hoặc: “Mở bán biệt thự, chung cư Gamuda đẹp nhất Hà Nội. Thanh toán 30% nhận nhà ngay, 70% trả chậm, giá chỉ từ 1,3 tỷ đồng”…


Tin nhắn rác bất động sản "khủng bố" thuê bao di động

Trước đây, tin nhắn rác thường được nhắn đến các máy điện thoại bằng một tổng đài chỉ có 4 hoặc 5 đầu số, hoặc tin nhắn nhằm hướng người sử dụng nhắn tin vào tổng đài dịch vụ. Tuy nhiên, những tin nhắn rác hiện nay đều đến từ các số thuê bao di động trả trước.

Lý giải về hiện tượng nhắn tin ồ ạt rao bán BĐS, một người buôn BĐS phân tích lý do rằng thị trường hiện nay đang chìm quá, ế ẩm quá nên phải “thổi” nó lên. Tuy nhiên, việc quảng cáo bằng cách thức như vậy sẽ không có hiệu quả bởi nhiều người còn không buồn đọc đến những tin nhắn đó, mà chỉ cần nhìn thấy là xóa đi ngay. Như chị Hằng, cả 8 tin nhắn đến trong một thời gian ngắn, chị không mở ra đọc bất kỳ một tin nào.

Thời gian qua, có mạng di động đã đưa ra biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác và xây dựng hệ thống kiểm soát tin nhắn rác. Tuy nhiên, tình trạng tin nhắn rác ồ ạt xuất hiện như vậy cho thấy việc thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông hiện nay. Doanh nghiệp viễn thông là chủ thể quản lý thông tin về số điện thoại cá nhân nhưng những thông tin đó đã bị cung cấp cho cá nhân, doanh nghiệp dịch vụ để tung ra các tin nhắn rác. Trong khi đó, pháp luật đã có quy định rất rõ về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói trên.

Mảnh đất facebook màu mỡ không thoát khỏi tin nhắn bất động sản

Rất nhiều người tỏ ra khó chịu với kiểu tin nhắn rao vặt tại trang cá nhân của mình, đặc biệt nhiều người cho biết, họ không hề quen với người bán cũng chẳng có trong danh sách bạn bè với họ. Người tiêu dùng hết bị “khủng bố” qua tin nhắn điện thoại, giờ nhiều người lại có thêm sự sợ hãi mang tên tin nhắn rác facebook.

Chị Mai Thị Thư, nhân viên Văn phòng Hà Nội bức xúc: “Gần như ngày nào mở Facebook ra cũng có. Có ngày em nhận được đến 20 tin nhắn kiểu rao vặt, trong đó rất nhiều các dự án bất động sản ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Tp.HCM mà chẳng biết đó là ai”.


Tin nhắn rao bán bất động sản tấn công sang facebook

Từng mất ăn, mất ngủ và trở nên cáu gắt khi phải liên tục nghe những tin nhắn facebook, chị Trần Thị Thanh Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết: “Khi về nhà tôi phải ngắt chế độ 3G, hủy kết nối wifi. Cả ngày làm việc về đến nhà chăm gia đình và cho các con đã mệt rồi, đến đêm vẫn bị “hành” bởi các tin nhắn rác rao bán nhà ở tận đâu đâu khiến tôi rất khó chịu”.

Giải pháp loại bỏ tin nhắn rác

Theo một số người sành về công nghệ, facebook có chế độ lọc tin nhắn để hạn chế tin nhắn rác khi vào phần Cài đặt, chọn mục Quyền riêng tư và chỉnh sửa ở chế độ lọc nghiêm ngặt, các tin nhắn rác sẽ bị chặn. Tuy nhiên, đối với tin nhắn facebook về điện thoại, người sử dụng hệ điều hành Window Phone (Nokia, Microsoft), IOS (Iphone) sẽ được bảo mật tính năng này khá cao, còn đối với người sử dụng các hệ điều hành có mã nguồn mở như Android ở máy Samsung, Sony hay các loại máy trên thị trường lại khá phức tạp, thậm chí không ngăn chặn được tin nhắn rác kiểu này.

Nhiều người dùng không bận tâm nên không để ý và ngăn chặn các tin nhắn kiểu này từ các hệ điều hành có sẵn, đa số không đọc hoặc tắt 3G, wifi để tránh bị làm phiền. Đây là biện pháp tạm thời nhưng đối với người thường xuyên sử dụng Messenger Facebook để trao đổi công việc, học hành thì không thể chấp nhận giải pháp trên.

Riêng với các thuê bao điện thoại di động, Điều 60 Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định xử phạt cả hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác của các nhà mạng. Lỗi vi phạm này bị phạt từ 30 triệu đồng – 40 triệu đồng.

Mức phạt từ 40 triệu đồng – 50 triệu đồng dành cho hành vi: “Cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ bằng thư điện tử hoặc bằng tin nhắn không có đầy đủ các hình thức tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối theo quy định; gửi hoặc phát tán tin nhắn rác; tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung…”.

Hương Giang (NTD)