TPHCM: Tỷ lệ mẫu vi phạm tồn dư kháng sinh trong thịt tăng vọt

Năm 2014 chỉ có 17,6% mẫu thịt bị phát hiện tồn dư kháng sinh thì sang năm 2015, tỷ lệ mẫu bị phát hiện tăng lên 39,6%. Điều này báo động vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Thông tin trên được BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, TP.HCM cho biết tại Hội nghị sơ kết 5 năm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Việc xét nghiệm được thực hiện bằng phương pháp sắc khí lỏng cao áp - HPLC để khảo sát tỷ lệ bình quân tồn dư kháng sinh.

BS Hưng chỉ ra, từ năm 2013 đến tháng 11/2015, qua kiểm tra 553 mẫu cho thấy, trung bình có 27,1% số mẫu được khảo sát bị phát hiện tồn dư kháng sinh. Trong đó, Sulfadimidin là 14,8%; Tetracycline là 12%. Tình trạng tồn dư kháng sinh trên cơ sở so sánh trong 2 năm qua cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có sự tăng vọt. Nếu năm 2014 chỉ có 17,6% mẫu thịt bị phát hiện tồn dư kháng sinh thì sang năm 2015, tỷ lệ mẫu bị phát hiện tăng lên 39,6%.

TPHCM: Tỷ lệ mẫu vi phạm tồn dư kháng sinh trong thịt tăng vọt
Tồn dư kháng sinh cao và chất cấm trong thịt được báo động là nguyên nhân gây hại sức khỏe ngườitiêu dùng. Ảnh minh họa.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, kiểm tra 1.025 mẫu, phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản, cơ quan chức năng phát hiện 31 mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm (trong đó có 7 mẫu nhiễm vi sinh, 4 mẫu nhiễm Triclofon, 20 mẫu nhiễm kháng sinh).

Riêng đối với sản phẩm gia súc, từ năm 2011 đến 2015, các ngành chức năng đã kiểm tra 484 lô hàng gia súc thịt heo và lấy 1.784 mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ phân tích kiểm tra các chất cấm phát hiện có tới 61 lô có tồn dư chất tăng trọng; 57 lô bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc nhóm Beta-agonist. Tại cơ sở chăn nuôi, năm 2015 tỷ lệ hộ chăn nuôi ở TP.HCM còn sử dụng nhóm chất cấm trên vẫn còn chiếm tới 5,77% tại các địa bản Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận 9.

Bác sĩ Hưng nhấn mạnh, dung nạp quá nhiều kháng sinh thông qua đường ăn uống là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc trong điều trị ở người bệnh. Để ngăn chặn tình trạng trên, các bộ ngành liên quan cần phải sớm đề ra biện pháp xử lý đối với loại vi phạm tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật.

Ngoài ra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn tồn tại, đặc biệt là nguồn sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh cung cấp cho thị trường thành phố. Hiện tại, TP.HCM đang tiêu thụ 80% thực phẩm các tỉnh thành lân cận đưa về. Nhưng việc phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác chưa đồng bộ. Mặc khác, chưa có quy định về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và truy nguyên nguồn gốc để kịp thời thu hồi và xử lý tận gốc.

Theo Ngọc Linh (Tieudung24g)