Vì sao ban ngành 'bó tay' hàng loạt với hoa quả Trung Quốc

PGS.TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cũng tự mua một quả lê Trung Quốc để tại phòng làm việc tại Viện. Đến nay, đã 5 tháng mà quả lê này không bị hỏng.

PGS.TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, trước phản ánh của nhiều người dân, có những loại trái cây như quả lê, lựu, táo… để vài tháng trong môi trường bình thường mà vẫn tươi ngon, không bị hỏng, ông cũng tự mua một quả lê Trung Quốc để tại phòng làm việc tại Viện. Đến nay, đã 5 tháng mà quả lê này không bị hỏng và việc tìm nguyên nhân vì sao trái cây vẫn tươi mới là điều rất khó khăn.

Hoa quả để 5 tháng vẫn không hỏng

Theo PGS Đà thì hiện trên thị trường có khoảng 2.000 loại chất bảo quảnnhưng mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại. Đáng nói là có nhiều hóa chất lạ rất khó phát hiện, thậm chí không tìm thấy trong quá trình kiểm nghiệm. Nhiều chất không định danh được thì rất khó để giám sát.

 

Nhiều loại trái cây Trung Quốc để trong môi trường tự nhiên vài tháng không hỏng.

Đoàn công tác cũng đã lấy 15 mẫu trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, chợ đầu mối ở Lạng Sơn gồm: Táo đỏ, lê và dưa hấu để kiểm nghiệm hóa chất bảo quản…Từ đầu năm đến giờ có gần 240.000 tấn rau, củ quả nhập qua cửa khẩu, với 21 mặt hàng như: Bưởi, cà chua, dưa hấu, dưa vàng, khai môn, lê, mận, nấm, nho, rau xanh các loại, quýt, táo... Nhưng để kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu, trái cây ướp bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì rất khó khăn.

Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, ý thức được việc trái cây có hóa chất bảo quản vượt ngưỡng, 3-4 năm trước trung tâm từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Để đánh giá toàn diện về chất bảo quản và hóa chất bảo vệ thực vật trong trái cây nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lấy thêm nhiều mẫu trái cây tại chợ đầu mối, chợ dân sinh ở Hà Nội và các địa phương khác để kiểm nghiệm.

“Bởi trên thực tế, qua tìm hiểu phía Trung Quốc khi xuất khẩu trái cây đều có quy trình xử lý trái cây tương tự với sản phẩm bán trong nước cho dân. Tuy nhiên, không xác định được liều lượng chất bảo quản họ dùng trái cây xuất khẩu.

Việc lấy mẫu ở ngay tại cửa khẩu, chợ đầu mối và chợ dân sinh sẽ xác định được hóa chất bảo quản vượt ngưỡng là từ khi được xuất khẩu, hay chính tiểu thương trong nước sau khi lấy hàng đã ngâm, tẩm hóa chất để bảo quản sản phẩm được lâu hơn”, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết.

Vì thế sắp tới, cơ quan chức năng sẽ lấy thêm nhiều mẫu trái cây để kiểm nghiệm. Theo đó, sẽ lấy tại cửa khẩu, tại chợ đầu mối, tại chợ dân sinh tại Hà Nội và nhiều địa phương khác để tìm hiểu, hóa chất bảo quản được tẩm ướp với hàm lượng như thế nào? Ngay ở khâu xuất từ Trung Quốc hay khi vào Việt Nam tiểu thương mới dùng hóa chất để tẩm ướp trái cây? Là loại hóa chất gì, hàm lượng ra sao và có gây nguy hại đến sức khỏe người dùng hay không!

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm lấy mẫu ngẫu nhiên tại các chợ đầu mối lẻ để kiểm nghiệm, quyết tìm ra câu trả lời tại sau táo, lê để vài tháng vẫn tươi mới không hỏng.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục An toàn thực phẩm làm việc với FDA Trung Quốc, yêu cầu họ cung cấp các danh mục thuốc chất bảo quản, bảo vệ thực vật... cho dùng, ngưỡng an toàn như thế nào. Chắc chắn bên họ cũng dùng những chất này, có ngưỡng cho phép, dân họ cũng dùng.

Tại sao 3 bên lại đùn đẩy

Một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho rằng, quản lý về chất lượng hoa quả bán trên thị trường chủ yếu phải là Sở NN&PTNT, còn Chi cục Quản lý thị trường không có chức năng lấy mẫu sản phẩm nông nghiệp để kiểm nghiệm. Nếu cần lấy mẫu kiểm nghiệm thì phải mời bên Sở NN&PTNT tiến hành thì mới có giá trị pháp lý.

Chỉ vào các dịp Tết, bên Chi cục mới tiến hành kiểm định về hoa quả. “Đối với ngành quản lý thị trường, chủ yếu quản lý về lưu thông hàng hóa, xem có hóa đơn chứng từ, nhập khẩu có nguồn gốc không”- cán bộ này nói. Vị này cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương chỉ quản lý chất lượng về 6 mặt hàng; còn lại là Sở NN&PTNT và Sở Y tế.

Ông Nguyễn Hồng Bảo – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Những sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường chúng tôi đều kiểm tra chặt chẽ về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Sau đợt kiểm tra vừa qua, chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức đi tất cả các địa bàn quận, huyện, các chợ đầu mối trong thành phố để phát hiện và xử lý theo quy định”.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, nhập khẩu các mặt hàng rau quả 8 tháng đầu năm 2012 đạt giá trị 212 triệu USD, bằng 117% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, phần lớn các mặt hàng rau quả nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cũng theo ông Bảo, thông thường Chi cục phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế, trung tâm y tế dự phòng, chi cục thú y (Sở NNPT- NT) để kiểm tra việc kiểm dịch động vật, thực vật.

Nếu hàng chưa có giấy tờ chứng minh thì đó là những dấu hiệu vi phạm. Tất cả các chợ đầu mối trung chuyển rau củ quả đều có các bộ phận theo dõi chất lượng từ bộ phận chuyên ngành để kiểm dịch động, thực vật cho đến ban quản lý chợ.

“Khối lượng công việc của chúng tôi rất nhiều, không chỉ các mặt hàng tươi sống như rau củ quả… mà còn có rất nhiều mặt hàng công nghiệp khác. Kiểm tra chất lượng các mặt hàng tươi sống là rất đặc thù và khó khăn hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp.

Với các mặt hàng này không thể đánh giá cảm quan bằng mắt thường được, nhìn rau củ quả xanh tươi mơn mởn đó ai biết được nó kém chất lượng như thế nào? Đã xử lý theo pháp luật thì phải có chứng cứ rõ ràng, cơ sở khoa học chắc chắn. Mà để có được những cơ sở đó cần phải có thời gian, nếu không làm nhanh sẽ hỏng ngay và nếu không có bằng chứng thì các cơ sở buôn bán họ sẽ buộc mình phải bồi thường” - ông Bảo chia sẻ.

Về phía ngành Y tế, lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) từng chia sẻ, hàng nhập tiểu ngạch, hàng nhập lậu, nhất là hoa quả… rất khó lấy mẫu kiểm định vì không có cơ quan nào làm việc đó. Chỉ khi dư luận lên tiếng, hoặc báo chí nước ngoài phản ánh, các cơ quan trong nước mới lấy mẫu kiểm nghiệm.

Theo Trung Hiếu (NĐT)