Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 10%/năm

Theo Bộ Tài chính Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng 10%/năm

Cùng với những thuận lợi về vị trí địa lý trong giao thương cũng như sự nới lỏng của các chính sách về thuế quan thông qua FTA, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng 10%/năm. Đây là tín hiệu vui làm động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất khẩu nước ta sang thị trườngđông dân nhất thế giới này, mặc dù Việt Nam vẫn nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc.

Dầu thô dẫn đầu tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong quý I/2015 với 334 nghìn tấn, tăng 49,6%.

Năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD, xuất khẩu năm đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm năm 2013.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, đứng sau Hoa Kỳ. Trong 11 tháng đầu năm 2014, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 13,53 tỷ USD, chiếm khoảng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước quý I/2015 đạt hơn 75 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 36,3 tỷ USD, tăng 8,8% và kim ngạch nhập khẩu là 38,7 tỷ USD, tăng mạnh 20,1%.

Trong quý I năm nay tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 3,54 tỷ USD giảm nhẹ 3,7%.

Tỷ trọng xuất khẩu một số mặt hàng nổi bật của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong quý I như sau:

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện đạt 554 triệu USD, tăng 23,1%; nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng sang Trung Quốc: 147 triệu USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước; Xơ, sợi dệt các loại đạt 106 nghìn tấn tăng 32,6%; Dầu thô đạt 334 nghìn tấn, tăng 49,6%...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Trung Quốc đã cắt bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 5% - 50% vào cuối năm 2018.

Một số mặt hàng Trung Quốc vẫn duy trì thuế suất gồm ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc, cà phê, gia vị, xăng dầu, phân bón, nhựa nguyên liệu, vải may mặc, nguyên liệu dệt may, da giày, động cơ, máy móc thiết bị, ô tô, động cơ, bộ phận phụ tùng ô tô, đồ nội thất...

Đánh giá về tác động của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Tài chính chia sẻ “Trung Quốc cam kết giảm thuế cao hơn Việt Nam. Vấn đề đặt ra là bên nào có thể tận dụng được những ưu đãi thuế quan khi tham gia ACFTA thì ưu thế sẽ thuộc về bên ấy.”

Tin tức mới đây nhất trong bản Báo cáo thường niên của HSBC đã nhận định rằng “Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2013, nhưng chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ để trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030”

Theo HSBC vị trí địa lý chính là yếu tố quan trọng giúp nước ta dễ tiếp cận với các thị trường lớn là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, nên có thể dễ dàng giao thương với các nước láng giềng có tốc độ phát triển nhanh này.

Trong khi đó, tại các nước Châu Á mới nổi, thương mại tự do đã cải thiện trong những năm gần đây và các cuộc đàm phán thương mại tự do giữa các nước thành viên trong khu vực cũng đang diễn ra.

Chính những yếu tố thuận lợi này HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

HSBC dự báo ngành dệt may sẽ đóng góp gần 20% cho tăng trưởng của ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam từ nay đến năm 2030.

Vị trí địa lý thuận lợi, các chính sách ưu đãi về thuế quan, những điều khoản tích cực từ ACFTA đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao thương giữa 2 quốc gia, hy vọng thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm tối đa phụ thuộc nhập khẩu từ quốc gia này.

Theo Hoàng Hà (NĐT)