Báo động: Mùa hè, cần cảnh giác chuyện trẻ em chết đuối

Mùa hè, mùa của vấn nạn về bệnh tật và tai nạn đuối nước đối với trẻ em mà các bậc phụ huynh cần chú ý để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.

bao-dong-mua-he-can-canh-giac-chuyen-tre-em-chet-duoi

Tại thành phố Quảng Ngãi, những ngày giữa tháng 4 đã gây chấn động bởi cái chết của 9 học sinh trường THCS Nghĩa Hà, nguyên nhân là do tắm sông bị đuối nước. Ngày 6/06 vừa qua, tại Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm khiến 5 trẻ tử vong.

Cùng ngày, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận 2 ca trẻ tử vong do đuối nước. Trường hợp 1 là bé 22 tháng tuổi bị rơi xuống ao nuôi tôm gần nhà, trường hợp còn lại là bé 13 tháng tuổi bị ngã cắm đầu vào xô nước sâu 20 cm.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối. Việt Nam cũng là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối đứng cao thứ hai trên thế giới.

Thạc sĩ, BS Vũ Thị Kim Hoa (Phó cục trưởng, Cục bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - Bộ lao động, thương binh và xã hội) có chia sẻ về vấn nạn này với phóng viên Phapluatplus.vn rằng:

 “Trẻ em tử vong do tai nạn thương tích nói chung, đặc biệt tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn còn đó những nỗi lo. Trung bình mỗi năm, có trên 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Tỷ lệ này so với giai đoạn tử năm 2001 - 2010 đã giảm đi một nửa.

Thực tế từ nhiều năm nay, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và các địa phương đã tích cực thực hiện phòng chống tai nạn, thương tích ở trẻ em. Tình trạng đuối nước ở trẻ em thường xảy ra nhiều nhất trong dịp hè”.

Nguyên nhân dẫn đến những trường hợp thương tâm trên phải kể đến đầu tiên là do sự bất cẩn của cha mẹ, môi trường sống không an toàn, không biết bơi, chơi ở những khu vực nguy hiểm như: có ao hồ, sông, suối, chơi ở những hố nước các công trình xây dựng, bể, giếng nước có thành quá thấp, không có nắp đậy, tập bơi ở những nơi không có biển báo an toàn tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, đi ra đường khi ngập nước bị sa chân xuống hố sâu,… 

Ngày 5/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ- TTg về “Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, có mục tiêu dạy kỹ năng an toàn cho trẻ, đưa ra mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố phải triển khai chương trình dạy bơi an toàn thí điểm.

Cha mẹ nên cảnh báo con mình tránh xa các hồ ao quanh nhà, bảo đảm an toàn ở hồ bơi. Khi trẻ đi chơi sông biển, tàu thuyền cần nghiêm túc mặc đồ bảo bộ. Đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ ở tuổi biết đi chập chững, trong nhà cần cẩn trọng với các vật dụng chứa nước, trẻ nhỏ dễ ngã chúi đầu vào.  

Thanh Vy tổng hợp (Baoventd.com)